Chương 11: Phụ Trương Giáo Luật | CôngGiáo.org
≡ Menu

Chương 11: Phụ Trương Giáo Luật

A. CÁC QUY TẮC CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC HỘI DÒNG TẬN HIẾN

Điều 573:

1/ Đời sống tận hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Am là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Đức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Đấng đáng yêu mến tột bậc, ngõ hầu, một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặt biệt, cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc kiến thiết Giáo Hội và cho phần rỗi thế giới, họ nhắm tới đức ái hoàn thiện trong việc phục vụ Nước Chúa, và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội tiên báo vinh quang trên trời.

2/ Các tín hữu được tự do chấp nhận lối sống ấy trong các hội dòng tận hiến đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thiết lập theo giáo luật, bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Am khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời, nhờ lời khấn hay các mối dây ràng buộc khác. Những người ấy kết hợp với Giáo Hội và mầu nhiệm Giáo Hội cách đặc biệt do đức ái mà các lời khuyên này đưa tới.

Điều 574:

1/ Hàng ngũ của những người tuyên giữ các lời khuyên Phúc Am trong các hội dòng tận hiến thuộc về sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội; do đó cần được hết mọi người trong Giáo Hội nâng đỡ và cổ võ.

2/ Thiên Chúa kêu gọi đặc biệt một số tín hữu vào hàng ngũ ấy, để họ hưởng nhờ hồng ân đặc biệt trong đời sống Giáo Hội và giúp ích cho sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội, theo mục tiêu và tinh thần của hội dòng.

Điều 575: Các lời khuyên Phúc Âm, dựa trên giáo huấn và gương mẫu của Đức Kitô như vị Tôn Sư, là hồng ân của Chúa ban và Giáo Hội lãnh nhận từ Đức Kitô và nhờ ơn Người Giáo Hội luôn bảo toàn.

Điều 576: Nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội có nhiệm vụ giải thích các lời khuyên Phúc Am, điều hành việc thi hành chung qua các luật lệ, và thiết lập các lối sống bền vững bằng việc phê chuẩn theo giáo luật, cũng như lo liệu, trong phạm vi của mình, để các hội dòng tăng trưởng và phát triển theo tinh thần của sáng lập viên và theo các truyền thống lành mạnh.

Điều 577: Trong Giáo Hội có rất nhiều hội dòng tận hiến với những linh ân khác nhau tuỳ theo ơn sủng được ban cho họ: thực vậy, họ theo sát Đức Kitô hoặc khi Ngài cầu nguyện, hoặc khi Ngài loan báo nước Chúa, hoặc khi Ngài thi ân cho nhân loại, hoặc sống giữa người đời, nhưng luôn luôn làm theo ý của Chúa Cha.

Điều 578: Tất cả mọi người phải trung thành duy trì chủ tâm và ý định của các vị sáng lập đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội châu phê, về bản chất, mục đích tinh thần, và đặc tính của mỗi hội dòng cũng như về những truyền thống lành mạnh và tất cả nhưng gì cấu tạo nên gia sản của hội dòng.

Điều 579: Trong lãnh thổ của mình, các Giám mục giáo phận có thể thành lập các hội dòng tận hiến bằng nghị định hợp thức, miễn là sau khi đã bàn hỏi ý kiến của Toà Thánh.

Điều 580: Việc kết nạp một hội dòng thánh hiến với một hội dòng khác được dành cho nhà chức trách có thẩm quyền của hội dòng đứng kết nạp. Việc kết nạp luôn luôn phải duy trì sự tự trị của hội dòng được kết nạp.

Điều 581: Việc phân chia tu hội thành từng phân chi dưới bất cứ danh xưng nào, việc thành lập các phân chi, sát nhập, hoặc thay đổi cương giới của các phân chi đã thành lập, đều thuộc về thẩm quyền của nhà chức trách của hội dòng, chiếu theo quy tắc của hiến pháp.

Điều 582: Toà thánh dành quyền sát nhập hay thống nhất các hội dòng tận hiến. Việc liên kết hay liên minh các hội dòng cũng được dành cho Toà Thánh.

Điều 583: Trong các hội dòng tận hiến không được thay đổi các yếu tố đã được Toà Thánh châu phê khi không có phép của Toà Thánh.

Điều 584: Toà Thánh là thẩm quyền duy nhất có quyền giải tán một hội dòng. Toà Thánh cũng dành quyền định đoạt về tài sản của hội dòng ấy.

Điều 585: Việc giải tán một phân chi của hội dòng thì thuộc về phẩm quyền của nhà chức trách của chính hội dòng.

Điêu 586: 1/ Giáo luật nhìn nhận cho mỗi hội dòng được hưởng một sự tự trị chính đang về nếp sống, nhất là trong việc cai trị, nhờ đó họ được hưởng một kỷ luật riêng trong Hội Thánh và có thể bảo tồn nguyên vẹn gia sản riêng đã nói ở điều 587.

2/ Bản quyền địa phương có bổn phận tôn trọng và bảo đảm sự tự trị ấy.

Điều 587: 1/ Để bảo vệ ơn kêu gọi và chân tướng của mỗi hội dòng cách trung thành hơn, bộ luật nền tảng hay hiến pháp của bất cứ hội dòng nào cũng cần phải chứa đựng những quy tắc nền tảng về việc cai trị hội dòng và kỷ luật của các phần tử, việc thu nhận và huấn luyện các phần tử, cũng như đối tượng riêng của các mối ràng buộc thánh, thêm vào những gì mà điều 578 đã ấn định phải duy trì.

2/ Bộ luật vừa nói phải được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội phê chuẩn, và chỉ có thể được thay đổi khi thẩm quyền ấy thoả thuận.

3/ Trong bộ luật ấy cần phải dung hợp khéo léo các yếu tố thiêng liêng với các yếu tố pháp lý; nhưng không nên tăng gia các quy tắc khi không cần thiết.

4/ Các quy tắc khác, do nhà chức trách có thẩm quyền của hội dòng quy định, sẽ được thu nhập cẩn thận trong các bộ luật khác. Các bộ luật này có thể được tuỳ nghi duyệt lại và thích ứng cho hợp với những đòi hỏi của nơi chốn và thời thế.

Điều 588: 1/ Hàng ngũ đời tận hiến, tự bản chất, không phải là giáo sĩ cũng chẳng phải là giáo dân.

2/ Một hội dòng được gọi là “giáo sĩ” khi nào, chiếu theo mục tiêu hay ý định mà vị sáng lập nhằm tới, hoặc chiếu theo truyền thống hợp lệ, hội dòng được đặt dưới sự điều khiển của các giáo sĩ, đảm nhận việc thi hành chức thánh, và được nhà chức trách Giáo Hội nhìn nhận như vậy.

3/ Một hôi dòng được gọi là “giáo dân” khi được nhà chức trách Giáo Hội nhìn nhận như vậy. Dựa theo bản chất, đặc tính và mục tiêu của mình, hội dòng có một nhiệm vụ riêng – đã được xác định bởi vị sáng lập hay bởi truyền thống hợp lệ – theo đó không bao hàm thi hành việc chức thánh.

Điều 589: Hội dòng tận hiến được coi là thuộc quyền Giáo hoàng nếu được Toà Thánh thành lập hay phê chuẩn do nghị định hợp thức. Hội dòng tận hiến được coi là thuộc quyền giáo phận, nếu được Giám Mục giáo phận thành lập và chưa nhận được nghị định phê chuẩn của Toà Thánh.

Điều 590: 1/ Các Hội dòng tận hiến, xét vì đã đặc biệt dâng mình phục vụ Thiên Chúa và toàn thể Giáo Hội, nên phải phục tùng nhà chức trách tối cao của Giáo Hội một cách riêng biệt.

2/ Mỗi phần tử của các hội dòng có nghĩa vụ vâng lời Đức Thánh Cha như Bề trên tối cao, kể cả chiếu theo mối ràng buộc thánh của Đức vâng lời.

Điều 591: Để lo liệu thiện ích của Hội dòng và các nhu cầu của việc tông đồ cách hoàn hảo hơn, Đức Thánh Cha, chiếu theo quyền tối thượng trên toàn Giáo Hội và xét đến lợi ích chung, có thể miễn trừ các hội dòng tận hiến khỏi quyền cai trị của các Bản quyền sở tại, và đặt họ trực tiếp tuỳ thuộc một mình Ngài hay một nhà chức trách khác trong Giáo Hội.

Điều 592: 1/ Để cổ võ sự thông hiệp giữa các hội dòng với Toà Thánh cách hoàn hảo hơn, tất cả các Bề trên tổng quyền phải gởi cho Tòa Thánh một bản tường trình sơ lược về tình hình và đời sống hội dòng, theo cách thức và thời hạn do chính Toà Thánh định.

2/ Các Bề trên của mỗi hội dòng hãy cổ động để các văn kiện Toà Thánh liên can đến các phần tử được uỷ thác cho họ được am tường, và họ hãy theo dõi việc tuân hành các văn kiện ấy.

Điều 593: Các Hội dòng thuộc quyền Giáo Hoàng tuỳ thuộc trực tiếp và duy nhất vào quyền Toà thánh trong việc cai trị nội bộ và kỷ luật, tuy vẫn tôn trọng điều 586.

Điều 594: Các Hội dòng thuộc quyền giáo phận được đặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của Giám Mục giáo phận, tuy vẫn tôn trọng điều 586.

Điều 595: 1/ Giám mục của Trụ sở chính có thẩm quyền châu phê hiến pháp, chuẩn y các sự thay đổi đã được du nhập cách hợp lệ, ngoại trừ những điều mà Toà Thánh đã ấn định; Ngài cũng có thẩm quyền giải quyết những vấn đề hệ trọng liên quan tới toàn thể hội dòng vượt quá quyền hạn của nhà chức trách nội bộ. Tuy nhiên, nếu hội dòng đã bành trướng qua nhiều giáo phận, thì Ngài phải bàn hỏi các Giám Mục giáo phận khác nữa.

2/ Trong trường hợp riêng biệt, Giám Mục giáo phận có thể miễn chuẩn hiến pháp.

Điều 596: 1/ Các Bề Trên và các đại hội của các hội dòng được hưởng quyền hành trên các phần tử: quyền hành ấy do luật phổ quát và hiến pháp xác định.

2/ Ngoài ra, trong các dòng tu giáo sĩ theo luật giáo hoàng, các Bề trên được hưởng quyền cai trị của Giáo Hội ở toà ngoài cũng như toà trong.

3/ Đối với quyền hành nói ở triệt 1. sẽ áp dụng các quy định của các điều 131, 133 và 137 – 144.

Điều 597: 1/ Hết mọi người công giáo, có ý ngay, hội đủ các đức tính do luật phổ quát và luật riêng đòi hỏi, không vướng mắc các ngăn trở, có thể được thu nhập vào một hội dòng tận hiến.

1/ Không ai được thâu nhận mà không được chuẩn bị thích đáng.

Điều 598: 1/ Mỗi hội dòng phải quy định trong hiến pháp cách thức tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm mà còn phải uốn nắn đời mình hợp với luật riêng của hội dòng, và như vậy cố gắng đạt tới sự trọn lành của hàng ngũ mình.

Điều 592: Lời khuyên Phúc Am khiết tịnh chấp nhận vì Nước Trời, xét vì là dấu chỉ của thế giới tương lai và nguồn mạch phong nhiêu trù phú trong một con tim không chia sẻ, bao hàm nghĩa vụ tiết chế hoàn toàn trong sự độc thân.

Điều 600: Lời khuyên Phúc Âm khó nghèo để bắt chước Đức Kitô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo cả về thực chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, còn mang kèm theo sự lệ thuộc và hạn chế trong việc xử dụng và định đoạt tài sản, chiếu theo quy tắc của luật riêng của từng hội dòng.

Điều 601: Lời khuyên Phúc Âm vâng lời, được chấp nhận trong tinh thần tin yêu để theo Đức Kitô vâng lời cho đến chết, bó buộc ý chí phải tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi họ thay mặt Thiên Chúa truyền khiến hợp theo hiến pháp riêng.

Điều 602: Đời sống huynh đệ, với đặc điểm riêng thích hợp với mỗi hội dòng, nhờ đó các thành viên được kết hợp trong Đức Kitô dường như trong một gia đình đặc biệt, cần được xác định cách nào để trở nên một sự hỗ trợ cho tất cả các phần tử trong việc chu toàn ơn gọi của mỗi người. Do sự thông hiệp huynh đệ, được đâm rễ và xây dựng trên Đức ái, các phần tử phải trở nên gương mẫu của sự hoà giải đại đồng trong Đức Kitô.

Điều 603: 1/ Ngoài những hội dòng tận hiến ra, Giáo Hội còn nhìn nhận đời sống ẩn tu, trong đó các tín hữu dâng mình để ngợi khen Thiên Chúa và lo phần rỗi của thế giới qua việc tách biệt hơn khỏi trần thế, giữ thinh lặng cô tịch, cầu nguyện liên lỉ và hãm mình.

2/ Một ẩn sĩ được luật nhìn nhận như kẻ dâng mình cho Chúa trong đời tận hiến nếu họ công khai tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Am, bằng lời khấn hay dây ràng buộc nào khác, trong tay Giám Mục giáo phận và tuân theo một chương trình sinh sống dưới sự hướng dẫn của Giám Mục.

Đièu 604: 1/ Tương tự với những hình thức đời tận hiến là hàng các trinh nữ, tức những người tuyên bố ý định theo sát Đức Kitô, được Đức Giám Mục giáo phận cung hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức phụng vụ được chuẩn y; họ kết hôn cách thần bí với Đức Kitô Con Thiên Chúa và dâng mình phục vụ Giáo Hội.

2/ Các trinh nữ có thể lập hội để nhờ sự trợ giúp lẫn nhau, họ thực hiện ý định của họ cách trung thành hơn và chu toàn việc phục vụ Giáo Hội hợp với hàng ngũ của mình.

Điều 605: Toà Thánh dành riêng cho mình việc châu phê các hình thức mới của đời tận hiến. Tuy vậy các Giám Mục giáo phận hãy ra sức nhận định các hồng ân mới của đời tận hiến mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội, và giúp đỡ những người khởi xướng để họ thực hiện các ý định cách mỹ mãn, và bảo vệ họ bằng những quy chế thích hợp, nhất là bằng cách áp dụng các quy tắc tổng quát chứa đựng trong phần này.

Điều 606: Những gì đã định về các hội dòng và các phần tử của họ đều có giá trị ngang nhau cho cả hai phái nam nữ, trừ khi đã rõ cách nào khác do mạch văn hay do bản chất sự việc.

B. CÁC TU HỘI ĐỜI

Điều 710: Tu hội đời là một dòng tận hiến, trong đó các tín hữu sống giữa đời nhắm tới sự trọn lành của đức ái và dấn thân mưu cầu sự thánh hoá đời ngay từ ở giữa đời.

Điều 711: Do sự tận hiến, một phần tử của tu hội đời không làm thay đổi thể chế giáo luật của mình trong dân Chúa, dù là giáo dân dù là giáo sĩ, mặc dù cũng phải tuân giữ các quy định của luật chi phối các hội dòng tận hiến.

Điều 712: Ngoài những quy định đã nói ở điều 598-601, hiến pháp còn phải ấn định các mối ràng buộc thánh, nhờ đó các phần tử tự bó buộc giữ các lời khuyên Phúc Âm trong tu hội. Hiến pháp cũng xác định các nghĩa vụ phát sinh từ các mối ràng buộc ấy, tuy luôn phải giữ nếp sống thế tục của tu hội.

Điều 713: 1/ Các thành viên của các tu hội diễn tả và thực hành sự tận hiến qua hoạt động tông đồ, và tựa như men bột, họ hãy cố gấng thấm nhiễm hết mọi sự với tinh thần Phúc Âm, ngõ hầu củng cố và tăng triển nhiệm thể Đức Kitô.

2/ Các thành viên giáo dân tham gia vào nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội ở giữa đời, hoặc bằng chứng tá của đời sống Kitô hữu và của lòng trung thành vớí sự tận hiến của mình, hoặc bằng sự cộng tác nhằm việc quy hướng các sự việc trần thế về với Thiên Chúa cùng lấy sức mạnh Phúc Am để làm sống động thế giới. Họ cũng cộng tác vào việc phục vụ giáo đoàn, dựa theo lối sống ngoài đời của họ.

3/ Các thành viên giáo sĩ, nhờ chứng tá của đời tận hiến, nhất là giữa linh mục đoàn, hỗ trợ các anh em đồng nghiệp do đức ái tông đồ trổi vượt; và khi thi hành chữc vụ thánh trong dân Chúa, họ kiện toàn sự thánh hoá trần thế.

Điều 714: Các thành viên sống trong những điều kiện bình thường của trần thế, hoặc đơn thân, hoặc trong nhóm huynh đệ, dựa theo các quy tắc của hiến pháp.

Điều 715: 1/ Các phần tử giáo sĩ được nhập tịch trong giáo phận, lệ thuộc Giám mục giáo phận, trừ những gì liên can đến đời sống tận hiến trong tu hội của mình.

2/ Những người được trạch cử vào các công tác riêng của tu hội hoặc vào việc quản trị tu hội, thì được nhập tịch vào tu hội, chiếu theo quy tắc của điều 266, triệt 3, và lệ thuộc Giám mục giống như các tu sĩ.

Điều 716: 1/ Tất cả các thành viên phải tham gia tích cực vào đời sống của tu hội, dựa theo luật riêng.

2/ Các thành viên thuộc cùng một tu hội phải sống thông hiệp với nhau, ân cần bảo vệ sự hợp nhất trong tinh thần và tình huynh đệ chân thật.

Điều 717: 1/ Hiến pháp phải quy định hình thức quản trị của tu hội, xác định nhiệm kỳ của các người phụ trách và cách thức chỉ định họ vào chức vụ.

2/ Không ai được chỉ định làm Tổng Phụ Trách nếu chưa được gia nhập vĩnh viễn vào tu hội.

3/ Những ai có trách nhiệm điều khiển tu hội phải lo duy trì tinh thần hợp nhất và cổ võ sự tham gia tích cực của hết mọi thành viên.

Điều 718: Việc quản trị tài sản của tu hội cần phải bộc lộ và cổ võ sự khó nghèo Phúc Am. Việc quản trị được chi phối do các quy tắc của quyển thứ V về tài sản của Giáo Hội; cũng như luật riêng cũng phải xác định các nghĩa vụ, nhất là về kinh tế của tu hội đối với các phần tử làm việc cho tu hội.

Điều 719: 1/ Để đáp ứng trung thành với ơn gọi và để hoạt động tông đồ phát xuất từ sự kết hợp với Đức Kitô, các thành viên phải siêng năng cầu nguyện, và chăm chỉ đọc sách Thánh, giữ việc tĩnh tâm thường niên và thực hành các việc đạo đức khác chiếu theo luật riêng.

2/ Việc cử hành Thánh Thể, nếu có thể được mỗi ngày, phải có nguồn mạch và sức mạnh của toàn thể đời tận hiến.

3/ Họ hãy lãnh nhận bí tích thống hối cách tự do và thường xuyên.

4/ Họ cần được tự do nhận việc linh hướng cần thiết; nếu họ muốn, họ có thể bàn hỏi việc thiêng liêng với các vị Phụ Trách của họ.

Điều 720: Quyền thu nhận vào tu hội, hoặc vào giai đoạn thử luyện hoặc để cam kết tạm thời hay vĩnh viễn, là điều thuộc về thẩm quyền của các vị Phụ Trách cao cấp, dựa theo quy tắc của Hiến Pháp.

Điều 721: 1/ Việc thu nhận những người sau đây vào giai đoạn thử luyện khởi đầu trở thành vô hiệu.

a. kẻ chưa đến tuổi trưởng thành;
b. kẻ hiện đang bị ràng buộc trong một hội dòng tận hiến hoặc tu đoàn tông đồ;
c. kẻ đã lập gia đình, bao lâu giá thú còn hiệu lực;

2/ Hiến pháp có thể ấn định các ngăn trở khác của việc thu nhận, kể cả chi phối sự hữu hiệu, hoặc đặt thêm các điều kiện khác.

3/ Ngoài ra, để được tiếp nhận, thành viên phải có sự trưởng thành cần thiết để có thể theo đuổi nếp sống của tu hội cách thích đáng.

Điều 722: 1/ Mục tiêu của giai đoạn thử luyện khởi đầu là để các tuyển sinh hiểu rõ hơn ơn thiên triệu và ơn gọi đặt biệt của tu hội.

2/ Các tuyển sinh cần được huấn luyện cách thích đáng để sống cuộc đời theo các lời khuyên Phúc âm, và để diễn tả toàn thể cuộc sống ấy ra việc tông đồ, bằng cách sử dụng những hình thức rao truyền Phúc âm thích hợp hơn hết với mục đích và tinh thần, đặc tính của tu hội.

3/ Hiến pháp phải xác định cách thức và thời gian của giai đoạn thử luyện trước khi cam kết lần đầu trong tu hội. Thời gian ấy không được dưới hai năm.

Điều 723: 1/ Khi đã mãn kỳ thử luyện khởi đầu, tuyển sinh nào được xét thấy có khả năng thì sẽ chấp nhận ba lời khuyên Phúc Am với dây ràng buộc thánh. Nếu không, thì phải lìa bỏ tu hội.

2/ Sự gia nhập lần có tính cách tạm thời, dựa theo các quy tắc của hiến pháp. Thời hạn này không được dưới năm năm.

3/ Khi mãn thời hạn đó, phần tử nào được xét thấy có khả năng sẽ được thu nhận gia nhập trọn đời hay vĩnh viễn, nghĩa là với những dây ràng buộc thánh, tạm thời nhưng luôn luôn được lập lại.

4/ Việc gia nhập vĩnh viễn được đồng hoá với việc gia nhập trọn đời. Hiến pháp phải ấn định những hiệu quả pháp lý của hành vi đó.

Điều 724: 1/ Sau khi đã cam kết lần đầu, việc huấn luyện cần phải tiếp tục liên lỉ, chiếu theo Hiến Phá.

2/ Các phần tử cần được huấn luyện vừa về phương diện thần học vừa về phương diện nhân bản. Các cấp lãnh đạo tu hội phải lưu tâm đến việc huấn luyện liên tục về phần thiêng liêng.

Điều 725: Hiến pháp sẽ quy định hình thức của mối dây ràng buộc nhờ đó tu hội có thể kết nạp các tín hữu nào được ước mong đạt đến sự trọn lành Phúc Âm dựa theo tinh thần của tu hội, và tham gia vào sứ mạng của Tu Hội.

Điều 726: 1/ Hết thời kỳ gia hạn tạm thời, một thành viên có thể tự do lìa bỏ tu hội, hay khi có lý do chính đáng, có thể bị vị Phụ Trách cao cấp, sau khi đã bàn với hội đồng cố vấn, loại bỏ không cho lặp lại sự cam kết.

2/ Khi có lý do trầm trọng, vị Tổng Phụ trách, với sự thoả thuận của Hội Đồng cố vấn, có thể ban đặc quyền lìa bỏ tu hội cho một phần tử đã gia nhập tạm thời tự ý xin.

Điều 727: 1/ Một thành viên đã gia nhập trọn đời, nếu muốn bỏ tu hội, thì sau khi đã suy nghĩ chín chắn trước mặt Chúa, hãy đệ đơn lên xin Toà Thánh qua vị Tổng Phụ Trách, trong trường hợp tu hội thuộc quyền Giáo Hoàng. Nếu là Tu Hội thuộc quyền Giáo Phận, thì xin Giám Mục Giáo Phận, theo như hiến pháp đã định.

2/ Nếu thành viên là giáo sĩ đã nhập tịch vào Tu hội, thì phải giữ quy tắc nói ở điều 693.

Điều 728: Một khi đã được phép lìa bỏ tu hội cách hợp lệ, thì sẽ chấm dứt mọi ràng buộc cùng các quyền lợi và nghĩa vụ phát xuất do sự gia nhập.

Điều 729: Sự trục xuất một thành viên sẽ được thi hành dựa theo các điều 694 và 695. Hiến pháp sẽ định các lý do trục xuất khác, miễn là các lý do ấy bề ngoài phải trầm trọng cân xứng, có thể quy trách và có thể chứng minh theo pháp lý. Thủ tục trục xuất phải theo các quy tắc của các điều 697-700. Quy định của điều 701 cũng được áp dụng cho kẻ bị trục xuất.

Điều 730: Khi một phần tử của một tu hội đời muốn chuyển sang tu hội khác, thì phải theo các quy định của các điều 684, triệt 1, 2, 4 và 685. Còn nếu muốn chuyển sang hay chuyển từ một dòng tu và một tu đoàn tông đồ, thì phải có phép của Toà Thánh, và phải tuân theo các chỉ thị của Toà Thánh.


 
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment