Chương 3: Đời Sống Thánh Hiến Là Gì? | CôngGiáo.org
≡ Menu

Chương 3: Đời Sống Thánh Hiến Là Gì?

Trong phần III, quyển II của Bộ Tân Giáo Luật 1983. Mục nhập đề gồm những quy tắc chung cho tất cả mọi Tu Hội Dòng và Triều được mở đầu bằng một định nghĩa về đời sống tận hiến (Đ. 573) với các yếu tố rút ra từ Công Đồng Vatican II (GH số 43 và 44).

Cuộc đời tận hiến do việc khấn giữ các Lời Khuyên Phúc Am là hình thức sống vững chắc, nhờ đấy, các tín hữu theo Chúa Kitô sát hơn và dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, hoàn toàn dâng mình cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, để với một danh hiệu mới và đặc biệt tự hiến thân làm vinh danh Thiên Chúa, xây dựng Giáo Hội và cứu rỗi thế giới, ngõ hầu đạt tới mức trọn hảo của đức ái trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội, họ tiên báo ngay bây giờ vinh quang trên trời. (Đ. 573,1).

Các tín hữu tình nguyện theo nếp sống ấy trong các Tu Hội tận hiến được Giáo quyền thành lập theo Giáo Luật bằng những lời khấn hoặc các ràng buộc thánh khác, tuỳ theo Luật riêng của mỗi Tu Hội: Họ tuyên giữ các lời khuyên của Phúc âm, khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, nhờ đó họ đạt tới đức ái. Là nhân đức làm họ kết hợp cách đặc biệt với Giáo Hội và mầu nhiệm của Giáo Hội. (Đ. 573,2)

So sánh với điều luật 487 của Bộ Luật cũ ta thấy ngay sự đào sâu về đạo lý và tinh thần đã được thực hiện, bản văn của Luật cũ nói về “bậc tu trì” hệ tại một lối sống vững chắc trong đó, ngoài các giới răn, người ta còn khấn tuân giữ ba lời khuyên của Phúc Am. Bản văn mới nhấn mạnh tính “cố định”; đồng thời nói lên cách rõ ràng sự bước theo Chúa Kitô được sự cộng tác của Chúa Thánh Thần, sự tận hiến toàn thân cho Chúa, là Đấng mình yêu mến trên hết mọi sự, để thực hiện một sự thánh hiến mới và đặc biệt cho vinh danh Thiên Chúa, cho việc xây dựng Giáo Hội và cho ơn cứu độ của thế giới, thực hiện cho tới mức trọn lành của đức ái để phục vụ nước Thiên Chúa, sao cho tất cả những ngưỡi tận hiến đều trở thành “dấu chỉ sáng ngời loan báo phúc vinh quang sau này”.

Theo giáo lý của Cộng Đồng, Bộ Giáo Luật tái khẳng định rằng đời sống tận hiến “thuộc về đời sống thánh thiện của Giáo Hội”.

“Bậc sống của những người khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm trong các Tu Hội, thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo Hội, bởi vậy mọi người trong Giáo Hội phải khuyến khích, và cổ võ lối sống đó” (Đ. 574,1)

Không thể đem ra bàn cãi cuộc sống tận hiến trong thực tại sâu xa của nó. Hết mọi người trong Giáo Hội buộc phải khuyến khích, và cổ võ lối sống này. Một số tín hữu được gọi để sống cuộc đời đó, do một sự hiến thân đặc biệt, liên kết mật thiết với cuộc sống của Giáo Hội.

Một số tín hữu được Thiên Chúa đặc biệt gọi vào lối sống này, để họ được hưởng một hồng ân đặc biệt trong Giáo Hội và để họ đóng góp vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội, theo mục đích và tinh thần của Tu Hội. (Đ. 574,2).

Việc thực hành những lời khuyên Phúc âm là một hồng ân của Chúa ban cho Giáo Hội và Giáo Hội phải trung thành gìn giữ.

Những lời khuyên của Phúc âm, đặt căn bản trên đạo lý gương lành của Đức Kitô là Thầy, là một hồng ân của Chúa mà Giáo Hội nhận được, và Giáo Hội phải giữ gìn mãi mãi nhờ ân sủng của Người (Đ. 575.3)

Đàng khác, nhiều loại hồng ân đã được ban cho các gia đình Tu Trì khác nhau, theo tinh thần và chí hướng các Đấng Sáng lập.

Trong Giáo Hội, có rất nhiều Tu Hội tận hiến được những hồng ân khác nhau theo ân sủng đã ban cho họ; quả vậy, họ theo sát Chúa Kitô cầu nguyện, hoặc rao giảng nước Thiên Chúa, hoặc làm ơn lành cho người ta, hoặc sống với người ta giữa trần thế, nhưng luôn chu toàn Thánh ý của Chúa Cha.(Đ. 577 )

Các Tu hội có quyền làm cho gia sản tinh thần của họ sinh hoa kết quả, theo trách nhiệm của họ, nhưng dưới sự hướng dẫn của Giáo Quyền, bởi vì các hồng ân kia phải được sử dụng để mưu công ích (Đ 576 – 578). Nếu kết cuộc người ta đã không dùng danh từ “ĐOÀN SỦNG” có lẽ vì danh từ này gợi lên ý tưởng về những hiện tượng lạ lùng thì thực tại của “đoàn sủng” theo nghĩa Thánh Phaolô vẫn hiện diện rõ ràng: vì đây là một hồng ân Chúa ban cho một vài người đê phục vụ mọi người.

Dĩ nhiên Giáo Quyền có bổn phận minh giải các lời khuyên Phúc Âm, điều hành việc thực thi các lời khuyên đó và thiết lập những hình thức vững chắc cho cuộc sống, bằng việc châu phê theo Giáo Luật, và Giáo quyền còn phải giám sát sự trung thành của các Tu Hội đối với Ơn gọi riêng của họ (Đ. 576). Tất cả các thành viên đều có trách nhiệm về sự trung thành ấy (Đ. 578.6)

Thẩm quyền trong Giáo Hội có quyền giải thích các lời khuyên Phúc âm, điều hành thực thi các lời khuyên đó bằng các luật lệ, và dùng việc châu phê theo Giáo Luật để lập thành những hình thức sinh hoạt vững chắc; về phần mình, Giáo quyền còn phải lo cho các Tu Hội tăng trưởng và thịnh đạt theo tinh thần của những Đấng Sáng lập và của truyền thống lành mạnh. (Đ. 576).

Tư tưởng và chủ trương của các Đấng Sáng lập mà thẩm quyền Giáo Hội đã thừa nhận liên quan đến bản chất, mục đích và đặc trưng của Tu Hội, cũng như những truyền thống lành mạnh của Tu Hội, tất cả những gì làm nên gia sản của Tu Hội, phải được tất cả mọi người duy trì cách trung thành. (Đ. 578)

Để bảo vệ cách trung thành hơn ơn kêu gọi riêng và sự đồng nhất của mỗi Tu hội. Bản luật nền tảng tức Hiến Pháp của mỗi Tu Hội phải bao hàm không những các điều cần được bảo toàn như đã xác định nơi điều luật 578, mà còn phải có những quy luật căn bản về sự cai quản Tu Hội, về kỷ luật của các thành viên, về việc nhận vào Tu Hội và việc đào tạo họ cũng như về đối tượng riêng của những ràng buộc thánh. (Đ. 578,1)

Trong bản luật đó, những yếu tố tinh thần và pháp luật phải được xếp đặt thích hợp với nhau nhưng khi không cần, thì đừng tăng quy luât. (Đ. 587,3)

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Giáo luật hiện hành định nghĩa đời sống thánh hiến thế nào?
2. Vì sao mọi thành phần Dân Chúa phải khuyến khích, cổ võ cho đời sống thánh hiến?
3. Đâu là nền tảng của việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm?
4. Trong Giáo Hội có những hình thức tận hiến nào?
5. Quyền lợi và nghĩa vụ của các người tận hiến là gì?
6. Quyền hạn của Giáo Hội đối với đời sống thánh hiến thế nào?
7. Nội dung Hiến Pháp của mỗi Tu Hội phải gồm những yếu tố nào?


 
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment