Chương 7: Nền Tảng Tin Mừng Của Lối Sống Tận Hiến Giữa Đời | CôngGiáo.org
≡ Menu

Chương 7: Nền Tảng Tin Mừng Của Lối Sống Tận Hiến Giữa Đời

Chúa Giêsu là gương mẫu tuyệt đối của mọi lối sống tận hiến. Đời Người cũng như giáo lý Người mặc khải, vô cùng phong phú, Người là vầng kim ô thánh thiện và đức ái toả sáng vào vườn hoa muôn sắc các tâm hồn tận hiến của Giáo hội. Mỗi hoa cũng chỉ phản chiếu một vầng kim ô duy nhất là Người, nhưng mỗi hoa mỗi sắc. Các thứ hoa cộng lại, cũng vẫn không bao giờ phản chiếu hết sự thánh thiện của Người. Ở đây, ta muốn tìm hiểu sắc hoa tận hiến giữa đời phản chiếu khía cạnh nào của bản thân Đức Kitô. Ta sẽ lưu ý tới ba mối tương quan giữa Người và tâm hồn tận hiến giữa đời.

I. LỐI SỐNG TẬN HIẾN GIỮA ĐỜI TRONG TƯƠNG QUAN VỚI MẦU NHIỆM KITÔ:

1. Các cao điểm của mầu nhiệm Kitô:

Nhìn tổng quát mầu nhiệm Kitô, ta sẽ thấy bốn cao điểm nổi bật:

1. Nhập thể
2. Rao giảng Nước Trời
3. Khổ nạn Cứu Thế
4. Khải hoàn phục sinh

Cao điểm thứ 04 là cứu cánh tuyệt đối ba cao điểm kia phải hướng về, đồng thời là đích điện chung cho mọi người, mọi Kitô hữu và mọi tâm hồn tận hiến.
Còn lại ba cao điểm trên chúng sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều loại ơn gọi tận hiến. Đại khái như sau:

a. Việc rao giảng nước trời, sẽ được tiếp tục một cách đặc biệt qua lối tận hiến thừa sai, chuyên môn đem Tin mừng reo rắc khắp nơi.

b. Khổ nạn Cứu Thế sẽ là lẽ sống độc đáo của lối tận hiến khổ tu, trong các dòng tu chuyên lo cầu nguyện và hy sinh hãm mình hằng ngày.

c. Còn việc Nhập thể sẽ được tiếp nối cách riêng qua những tổ chức tận hiến nhập thể, nhất là những tổ chức tận hiến giữa đời, trong đó có gia đình Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ là một Tu hội đời.

2. Sống tận hiến giữa đời tiếp tục mầu nhiệm Nhập thể:

Đức Kitô đã được Chúa Cha hiến thánh và sai đến thế gian (Ga 10,36). Người đã dùng ơn nhập thể, và dùng những mối dây liên đới với thế gian, với đời sống để hiến thánh thế gian cho Chúa Cha qua việc cứu rỗi thế gian. Biến cố nhập thể đem Thiên Chúa Ngôi Hai xuống sống gần gũi với con người. Người đã muốn làm một người trong chúng ta, muốn sống rất gần những người Người muốn cứu độ. Chúa Giêsu chẳng những là chỗ gặp gỡ giữa hai thế giới vật chất và tinh thần mà còn là chỗ tiếp xúc giữa toàn thể vũ trụ, toàn thể thế giới với Thiên Chúa. Đấng Toàn Năng sát cánh với tạo vật yếu đuối, Đấng vĩnh viễn vượt thời gian và không gian chung sống với mọi vật trong thời gian và không gian.

Tác giả thư Do thái viết “bởi vì con cái có chung máu thịt với nhau, thì phần Người (Đức Kitô) giống y như vậy, các điều ấy Người cũng đã thông chia, ngõ hầu nhờ sự chết, Người tiêu diệt kẻ có quyền trên sự chết, tức là ma quỷ, và giải thoát những kẻ vì sợ chết mà suốt cả đời sa vòng nô lệ… Do đó, trong mọi sự, Người đã nên giống các anh em Người, để trở thành vị Thượng Tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương vừa trung tín, cốt để tạ tội cho dân. Chính mình Người đã trải qua thử thách bằng đau khổ, nên Người có thể đáp cứu những ai chịu thử thách” (Hip 2,14-18).

Người tận hiến giữa đời cũng phải sống nhập thể như vậy. Sau khi tuyên khấn trong các Tu hội đời, họ không được sai đi tới những miền xa lạ họ chưa từng tới bao giờ (như các vị thừa sai), nhưng họ sẽ ở tại chỗ, nơi họ làm việc, sinh sống, không thay đổi bạn bè, không thay đổi láng giềng. Cùng một lúc, họ nhận lấy một sứ mệnh làm nhân chứng, để qua họ, Thiên Chúa hiện diện ngay trong chính môi trường họ sống. Họ không thụ động ở đó nữa, họ không bất đắc dĩ chấp nhận số phận họ đang có trước khi tuyên khấn. Họ không ghen số phận của các anh chị em tận hiến trong các dòng tu, có nội cấm che chở, có tu phục bảo vệ, có thời khóa biểu ấn định các việc phải làm từng giây, từng phút, có cộng đoàn nâng đỡ, có Bề trên sát bên chỉ dẫn, bảo ban… không ghen! Trái lại, họ đón nhận tính cách trần thế đời tận hiến như hồng ân của Thiên Chúa, và như một chia sẻ nhiệm vụ nhập thể của Thiên Chúa Ngôi Con.

Khi tuyên khấn, họ mang trong mình tất cả tinh thần Phúc âm, họ khát khao các linh hồn, họ yêu các linh hồn anh chị em chung quanh họ, và càng yêu họ càng muốn liên đới với anh chị em ấy với tinh thần Phúc âm, họ sẽ tìm cách phục hồi giá trị của những tương quan giữa người với người và tích cực tham gia vào việc xây dựng thế giới.

Đức khó nghèo sẽ làm cho họ liên đới với người nghèo và với những kẻ cô thân cô thế…

Đức trinh khiết sẽ giúp họ thêm quảng đại đối với những người không được yêu thương.

Đức tuân phục sẽ khiến họ sẵn sàng hơn để chấp nhận những công việc trần thế nhiều khi khó khăn và bạc bẽo.

Người tận hiến giữa đời luôn luôn nghe văng vẳng bên tai những mối phúc thật, và họ coi đó là sứ điệp tình thương Thiên Chúa muốn nhờ họ chuyển đạt cho môi trường họ sống.(Xem tập tìm hiểu… 120&121).

II. LỐI SỐNG TẬN HIẾN GIỮA ĐỜI, TRONG TƯƠNG QUAN VỚI ĐỜI SỐNG ĐỨC KITÔ:

1. Ba giai đoạn đời sống Đức Kitô:

Người ta thường phân chia đời sống Đức Kitô ra làm ba giai đoạn:

a. Từ sinh ra cho đến khi Ngài ba mươi tuổi.
b. Ba năm đời sống giảng đạo công khai.
c. Những ngày cuối cùng của tuần thánh.

Sống tận hiến giữ ba lời khuyên Phúc âm, là sống như Đức Kitô đã sống. Đó là đời sống được cống hiến toàn vẹn cho Chúa. Nhưng đã sống, là phải có việc làm. Việc làm của Đức Kitô trong ba giai đoạn nói trên, cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều hoạt động khác nhau của các tổ chức hoạt động tận hiến:

Các dòng khổ tu chiêm niệm đặc biệt muốn làm những gì Đức Kitô đã làm trong ba ngày cuối tuần thánh.

Các dòng hoạt động (thứa sai, từ thiện, bác ái) tiếp tục cách riêng việc làm của Đức Kitô trong suốt gần ba năm đời sống công khai.

Còn giai đoạn 30 năm làm thợ dưới mái nhà Nazareth thích hợp với lối tận hiến giữa đời hơn cả.

Bộ ba – Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse- thực là các vị tận hiến, đã được Thiên Chúa thánh hiến để chu toàn sứ mệnh cứu độ, mỗi vị thực hiện một cách: Đức Kitô là nguyên nhân chính và tuyệt đối; còn hai vị kia cộng tác xa gần một phần nào đó. Các Ngài đã sống trinh khiết, khó nghèo, tuân phục. Nhưng bề ngoài, các Ngài đã sống như bất cứ thường dân nào: âm thầm siêng năng làm việc, không có y phục riêng, không có gì bề ngoài khiến người ta nhận ra địa vị cao sang và sứ mệnh quan trọng của các Ngài. Phải chăng, đây là lối sống tận hiến giữa đời đầu tiên? Người ta vẫn coi Chúa Giêsu là con bác thợ mộc, mặc dầu Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng vậy: ai cũng coi Đức Mẹ là người nội trợ thông thường và Thánh Giuse là thợ mộc, mặc dầu hai vị được gọi tham dự rất gần mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc.

1. Sống tận hiến giữa đời là bắt chước Chúa Giêsu thợ với những nghề nghiệp trần thế

Từ khi con Thiên Chúa nhập thể cầm tới cái cưa, cái búa…, từ khi Mẹ Thiên Chúa bắt tay vào việc nội trợ bếp núc…, từ khi Thánh Giuse, người công chính, đổ mồ hôi trán để nuôi sống gia đình bằng cái chàng, cái đục, thì không còn việc trần thế nào là việc hèn cả; không còn nghề nghiệp nào là đáng khinh dể (ngoại trừ những việc tự chúng xấu bị nền đạo đức lên án rồi). Hơn thế nữa, việc nào, nghề nào cũng có thể trở thành dụng cụ thánh hoá bản thân và người khác. Người tận hiến giữa đời có thể làm tất cả các việc ấy để kết hợp với Chúa bằng tình yêu Bác ái, bằng cách coi chúng là Thánh Ý Chúa đối với mình. Như ba vị trong thánh gia, họ âm thầm đổ mồ hôi, với những đồ nghề: “họ dấn thân vào các việc trần thế, nhưng với tư cách là những người được thánh hiến để đưa vào các việc đó chính sức mạnh của các lời khuyên phúc âm là các giá trị thần linh vĩnh cửu, đem sức mạnh ấy tiêm nhiễm vào những gia trị nhân linh tạm bợ” (Đức Phaolô VI, huấn từ ngày 20/9/72).

Đức Thánh Cha muốn nói: Mục đích của việc tận hiến giữa đời là ban cho thế giới năng lực của các mối phúc thật và của các lời khuyên phúc âm; nghĩa là lấy Tin Mừng nhào nắn thế giới bên trong, một khi chính mình đã thấm nhuần Tin Mừng ấy. Khi quyết định chọn Tin Mừng và những đòi hỏi của Tin Mừng làm luật sống, họ cũng muốn lấy đó làm luật hành động. Họ muốn trở thành Tin Mừng, họ muốn hành động theo Tin Mừng và muốn làm cho môi trường làm việc của họ trở nên Tin Mừng nữa. (Xem tập Tìm hiểu… trang 122).

III. LỐI SỐNG TẬN HIẾN GIỮA ĐỜI, TRONG TƯƠNG QUAN VỚI NHỮNG LỜI GIẢNG DẠY CỦA CHÚA GIÊSU

1. Lối sống tận hiến nào cũng cảm hứng theo lời Chúa dạy

Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều lối tận hiến:

Các Dòng tu (ẩn tu, bán ẩn tu… ) sống tách biệt với Đời, dựa trên giáo huấn của Đức Kitô về tính siêu việt và tính cánh chung của nước trời: “nước ta không thuộc về thế gian này (Ga 18,36). Đã là Kitô hữu, với bất cứ lối sống nào, điều phải ghi lòng tạc dạ chân lý căn bản trên đây. Đời là phù vân. “Ta không có thành trì lâu bền ở đời này” (Hip 12,14) “Nước quê Ta là trời cao” ( Pl 3,20).

Đời sống cộng đoàn bắt buộc của các Dòng tu bắt chước cộng đoàn tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, là cộng đoàn siêu việt làm mẫu mực cho mọi cộng đoàn trên trời dưới đất: “Ta và Cha là một” (Ga. 14,16;15,26;16,14-15).

Sau đó, là cộng đoàn các tông đồ chung quanh Chúa Giêsu, là nhóm 12 (tên tập thể) được Tân ước nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Họ sống chung với Đức Kitô và có cả một quỹ chung nữa (Ga 12,6; 13,29).

Sau cộng đoàn tông đồ là cộng đoàn các Tín hữu đầu tiên “chuyên cần với giáo huấn của các tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện… cùng nhau chia sẻ của nuôi thân…” (CVTĐ 2, 42,46-47).

Ngoài ra sống cộng đoàn Dòng tu là dấu chỉ sự quy tụ của dân Chúa trong ngày cánh chung trên Thiên Quốc.

Nơi khác, Chúa Giêsu phán: “không phải các con đã chọn Ta, nhưng chính Ta đã chọn các con, và đã đặt các con ra, ngõ hầu các con ra đi và sinh hoa trái…” (Ga 15,16). Ra đi, đi vào thế gian, dấn thân vào đời, để thực hiện sứ mệnh Chúa trao đối với Đời. Và đây là nguồn cảm hứng cho các Tu hội đời, trong đó có gia đình Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ chúng ta. Nhưng có những lời giảng dạy của Chúa thích hợp hơn nữa với lối sống tận hiến giữa đời:

2.“Chúng con là muối cho Đời” (Mt 5,13)

“Chúng con là ánh sáng cho thế gian” (Mt 5,14)
“Nước trời giống như men… trộn vào ba đấu bột…” (Mt 13,33; Lc 13,20-21)
“Các con sẽ là chứng tá của Ta” (CVTĐ 1,8)

Dĩ nhiên các câu trên đây áp dụng cho mọi Kitô hữu, mọi lối sống tận hiến. Nhưng ai cũng công nhận chúng áp dụng vào lối sống tận hiến giữa đời một cách đặc biệt nhất, một cách trực tiếp nhất, một cách cụ thể nhất và theo sát chữ nhất. Chính Tự sắc “Một năm tốt đẹp” 12/03/1948, trong phần mở đầu đã áp dụng vào Tu Hội Đời ba câu trên, và Đức Thánh Cha Phaolô VI đặc biệt áp dụng câu thứ bốn: “ tính cách trần thế… không phải chỉ là một từ ngữ nói lên địa vị hay chức vụ đi đôi với cuộc sống giữa Đời, giữa việc làm, giữa nghề nghiệp trần thế… hoàn cảnh thực tế trong xã hội chúng con đang sống đã mang một ý nghĩa Thần học. Đó chính là đường lối để chúng con thực hiện ơn cứu Độ và làm nhân chứng cho ơn Cứu Độ” (Huấn từ ngày 20/9/72 cho các vị phụ trách Tu hội đời).

Ta cố gắng tìm hiểu từng câu một, hầu ý thức rõ bản chất và sứ mệnh tích cực của Tu hội đời ta đã muốn chọn làm lối cho gia đình Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ.

a.“Chúng con là MUỐI cho Đời” (Mt 5,13).

Có thể coi kiểu nói đây là một dụ ngôn ngắn ngủi. Qua hình thức dụ ngôn, Chúa Giêsu đã dùng một khoa sư phạm rất bình dân, Người dựa vào những nhận xét thường nhật của Người về các hành vi con người (Người Samaria nhân hậu, người thu thuế khiêm nhường…), về các nghề nghiệp (nghề nông, nghề đánh cá, nghề buôn bán…) về phong tục xã hội (tiệc cưới, đón rể…) về loài vật (đơn sơ như bồ câu, khôn ngoan như rắn…) về sự vật (muối, ánh sáng, men… ).

Đây, ta thấy Chúa dùng muối, với tất cả ý nghĩa tượng trưng của nó.

+ Trong Kinh Thánh, muối có nghĩa xấu của nó. Dân Israel sống trong vùng lân cận với Biển Chết, gọi là Biển Muối. Các vùng đất mặn, là đất hoang, “không gì có thể mọc được ở đó” (Đnl 29,22). Như vậy, muối là dụng cụ trừng phạt: vợ ông Lót đã biến thành tượng muối (St 19,25); rắc muối xuống thành phố bại trận (Q. án 9,45) để không còn ai ở đó được.

+ Tuy nhiên, trong thánh kinh muối cũng còn có nghĩa tốt (Mc 9,50; Cl 4,6 ) đặc tính và công dụng hữu ích của nó:

1. Thêm hương vị cho món ăn, kể cả món ăn dành cho Thiên Chúa. (Lv 21,6; 8,17,22; Gp 6,6).

2. Giữ món ăn không bị hư thối (Bar 6,27), chỉ giá trị lâu bền của giao ước.( Ds 18,19).

3. Thanh tẩy chất độc (Elisê thanh tẩy nước độc bằng muối (2 Vua 2,19-22; Mc 9,49); “hết thảy sẽ bị muối bằng lửa, thử thách và tinh luyện”( 1 Cor 3,13). Chắc chắn Chúa Giêsu đã dùng từ ngữ “Muối” theo nghĩa tốt, và nó phải là công dụng hữu ích của người tận hiến giữa đời với môi trường họ sống.

Như ta vừa thấy, muối có hai công dụng tích cực và một công dụng tiêu cực, người tận hiến Tu hội đời cũng vậy.

Trước hết, họ phải tăng hương vị cho các việc trần thế bằng cách thực hiện chúng cách rất chu đáo, và cho chúng hợp với của lễ hy sinh do việc tận hiến và chung cuộc, kết hợp chúng với của lễ thơm tho của Chúa Giêsu, hầu dâng chúng lên Chúa Cha, để Ngài dễ dàng chấp nhận. Việc cưa cây xẻ gỗ, cắt mộng đóng đinh.v.v… dưới mái nhà Nazareth do chính tay Ngôi Lời nhập thể, do chính tay Thánh Giuse Đấng công chính, chắc chắn đã được thánh hoá, đã trở thành yếu tố của ơn cứu chuộc. Nhưng việc trần thế của chúng sẵn có gía trị rồi. Chúng là những cách con người cộng tác vào công cuộc sáng tạo liên tục của Thiên Chúa. Nhưng được thực hiện với tâm hồn người tận hiến và do động lực ân sủng và đức ái, chúng có thêm một giá trị khả dĩ trở thành cách thế con người tham dự vào công cuộc Cứu Thế nữa.

Thứ đến, người tận hiến sống giữa Đời phải giữ cho nguyên tuyền những việc trần thế, bằng cách thực hiện đúng theo những đòi hỏi của luật Thiên Chúa, luật Tin Mừng. Họ là giáo viên ư ? họ dạy đúng sự thật, trong mọi lãnh vực văn hoá, khoa học, lịch sử : Có ? Có : – Không ? Không! (Mt 5,37). Không nói dối, không xuyên tạc sự thật, không bỏ vạ cáo gian, không phỉnh gạt. Họ là bác sĩ, y tá ư ? họ biết nhìn bệnh nhân là người, hơn nữa: là hình ảnh sống động của Thiên Chúa (Kn 1, 26-27). Giữ nguyên vẹn quan niệm về con người, không biến người thành sự vật hay súc vật hay là phương tiện để thí nghiệm. v.v… Họ là những nhà nghiên cứu khoa học ư ? công Đồng Vatican II công bố : “Chính vì được (Thiên Chúa) tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chắc, có sự chân thực tốt lành,có định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy. Phải nhìn nhận những phương pháp cá biệt của mỗi khoa học và kỹ thuật. Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thật sự và theo các tiêu chuẩn luân lý sẽ không bao giờ trái nghịch với Đức Tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại Đức Tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra” (Hiến chế mục vụ, 36).

Như vậy, người tận hiến giữa đời, khi nghiên cứu khoa học, cứ an tâm yêu mến công việc mình làm và giữ nguyên vẹn tinh thần khoa học khi nghiên cứu (nhất là tinh thần khách quan, vô tư) mà không sợ làm tổn thương tới niềm tin tôn giáo của mình hay của người khác.

Sau hết, công dụng tiêu của muối là thanh tẩy. Sự hiện diện của anh em Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ cũng phải thanh tẩy công việc trần thế mình và người khác làm, thanh tẩy cả môi trường mình và họ sống những giá trị trần thế tự chúng là tốt, nhưng cũng tự chúng là bất toàn, là giòn ải, là “phù vân” (theo nghĩa Thánh kinh), là không tuyệt đối. Hơn nữa, con người và những công việc con người sử dụng hay tạo ra những giá trị ấy bị tội lỗi gây thương tích rồi. Trước mặt chúng, ta không thể có thái độ lạc quan tếu ngạo được. Thái độ lạc quan quá trớn đối với chúng như thế không hợp với thực tế; không hợp với mạc khải. Chúng có tính hàm hồ, có thể hữu ích, cũng có thể làm hại. Thí dụ: sự thống nhất thế giới với những tiến bộ kỹ thuật có thể giúp nhân loại hiểu biết nhau hơn, giúp đỡ nhau nhiều hơn, trong việc chống khổ đói, bệnh, mù chữ… nhưng cùng lúc, cũng như tiến bộ trên có thể phổ biến những văn hoá đồi truỵ, những cuộc xung đột giai cấp, chính trị,… việc con người được Thiên Chúa đặt làm chủ vũ trụ cũng vậy. Con người thật sự có quyền trên vũ trụ, trên hành vi của chính mình nhờ đặc ân tự do, nhưng đồng thời mỗi người đều có kinh nghiệm đã bị tội khống chế vì lạm dụng tự do, và chối bỏ quyền tự do lẫn của nhau.

Vì thế, nên nhắc lại lời thánh Phaolô: “đừng rập theo thói đời này” (Rm 12,2): sống trong Đời, dùng Đời, cho Đời, nhưng đừng theo thói Đời! Nghĩa là “đừng buông mình ham chuộng hư danh và gian xảo, khiến sinh hoạt con người vốn quy hướng về việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, lại biến thành phương tiện phạm tội” (HC Mục vụ, 37).

Như vậy, là phải thanh tẩy mọi sinh hoạt trần thế đang bị lâm nguy vì kiêu ngạo, vì ích kỷ. Thanh tẩy nhờ đời sống tu đức, vác thập giá theo chân Chúa Giêsu. Chỉ với điều kiện này, Tu hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ sống giữa đời mới đủ khả năng tự thánh hoá mình và thăng tiến tha nhân.

a. “Các con là ÁNH SÁNG cho thế gian.” (Mt 5,14)

Đây là một biểu tượng nữa Chúa Giêsu dùng để nói lên bản chất và sứ mệnh của người Kitô hữu nói chung và đặc biệt của người tận hiến giữa đời nói riêng.

Trong Kinh Thánh, ánh sáng chỉ có nghĩa tốt mà thôi. Ánh sáng ban ngày toé lộ ra từ khối hỗn mang nguyên thuỷ (St 1, 1-5); ánh sáng của các vì tinh tú soi sáng địa cầu ngày đêm (St 1, 14-19). Tất cả đều do Thiên Chúa tạo thành. Chúng run rẩy tuân phục Ngài (Bar 3,33). Do đó ánh sáng là chủ đề thường xuyên của Kinh Thánh và là biểu tượng rất gợi ý giúp ta hiểu về Thiên Chúa, về chính ta. Thiên Chúa “Mặc áo ánh sáng” (TV 104,2). Ngài hiển hiện “rực rỡ như ánh thiều quang, tia sáng phát suất tự tay Ngài” (Hab 3,3…). Ngai Ngài ngự lấp lánh tựa pha lê (Zach 24,10; Ez 1,22); Ngài ngự giữa ngọn lửa (Kn 15,17. Zach 19,18; TV 18,9), hay tung toé chớp chói loà trong bão tố (Ez1,13). Thiên Chúa “là chính ánh sáng và trong Ngài không có tối tăm” (1Ga 1,5). Ngôi Lời nhập thể cũng là Anh sáng chiếu soi những người ngồi trong tối tăm (Lc 1, 38; Mal 3,20; Is 9,1;42,7), soi sáng các Dân (Lc 2,32; I s 42,6 ) là Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể cũng tự mạc khải là Anh sáng (Ga 9,5; 12,46) như Thiên Chúa. Người còn biến hình trở nên ánh sáng vật chất quá chói, làm loà mắt ba Tông đồ (Mt 17,2), làm mù mắt Phaolô trên đường Damas (Cv 9,3; 22,6; 26,13 ). Con người sống giữa tối tăm và Ánh sáng để tự do lựa chọn. Do sự quyến rũ của Satan trá hình Thiên Thần Ánh sáng (2Cor11,14) con người đã phạm tội và như vậy đều sống trong cõi tối tăm. Nhưng Thiên Chúa “đã gọi chúng ta từ tối tăm vào ánh sáng huyền diệu của Ngài” (1Pr 2,9), kéo chúng ta khỏi vương quyền tối tăm và đưa chúng ta vào Vương quốc Con Ngài để thông phần gia nghiệp dành cho các Thánh trong Ánh sáng (Cl. 1,12). Đó là điều chúng ta được khi rửa tội, lúc mà “ Đức Kitô chiếu sáng trên chúng ta” (Eph 5,14), để ta cũng trở nên Ánh sáng (Eph 5,8, hầu ta “sống như con cái Ánh sáng” (Eph 5,8), nghĩa là phải sống tinh sạch trong suốt như Ánh sáng, và như Ánh sáng tác động vào thế gian. Mọi Kitô hữu phải thực hiện sứ mệnh trên đây. Nhưng Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ sống tận hiến giữa đời càng phải thực hiện một cách đặc biệt hơn, theo đúng ý của Giáo hội qua các văn kiện đã dẫn về mục đích chung và riêng của Tu hội đời.

Trước hết, chính họ phải sống trước đã. Đời sốn Kitô hữu của Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ qua việc giữ ba lời khuyên Phúc âm phải tinh tuyền như Phalê, như thuỷ tinh, để Ánh sáng Đức Kitô phản chiếu vào, hầu chính họ tham dự vào Ánh sáng đó: Lo sao cho Ánh sáng nội tâm không bao giờ lu mờ giống như phải săn sóc con mắt là đèn soi thân xác (Mt 6,22…), hầu có được những “Hoa qủa của Ánh sáng” là các việc lành phúc đức được thực hiện do Đức ái và ân sủng làm động lực; hầu “vất bỏ những việc tối tăm”(Rm 13,12…) là những “công việc vô bổ” gồm đủ thứ tội lỗi (Eph 5, 9-14). Đúng như thánh Gioan nói là bước đi trong ánh sáng “để hiệp thông với Thiên Chúa…. Và thông hiệp với nhau” (1 Ga 1,6-7).

Thứ đến, như Ánh sáng, Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ hiện diện hóa một cách mầu nhiệm chính Thiên Chúa mình thờ để người khác nhận ra và tôn vinh: “chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, áng sáng của anh em cũng phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời”(Mt 5, 15-16).Sống giữa đời, Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ phải biết giải toả ánh sáng tình huynh đệ là tiêu chuẩn để biết mình ở trong ánh sáng hay trong tối tăm: “Kẻ nói mình ở trong sự sáng mà lại ghét anh em, thì nó vẫn ở trong tối tăm… kẻ yêu mến anh em mình thì lưu lại trong sự sáng. Còn kẻ ghét anh em mình thì ở trong tối tăm và đi trong tối tăm. Và nó không biết mình đi đâu, và tối tăm đã làm mắt nó đui mù”(1Ga 2,9-11).

b. “Nước trời giống như MEN…” (Mt 13,33)

Cần phân biệt: tính biểu tượng của men và tác dụng của men.

+ Xét theo biểu tượng và theo Kinh Thánh men có nghĩa xấu, chỉ sự hư thói suy đồi, ô uế, nên bánh có men không được dùng như một lễ vật phụng vụ( Lêvi 2,11), Đức Kitô cũng hiểu men theo nghĩa đó khi Ngài căn dặn các môn đệ: “ý tứ! Chúng con hãy giữ mình khỏi men người Biệt phái và bè Hêrôđê” (Mc 8,15), nghĩa là hãy tránh xa giáo lý sai lạc và tội giả hình của họ. Thánh Phaolô khuyên tín hữu Côrintô chớ dùng men tội lỗi gian ác, đối lập với lòng tinh tuyền và chân thật (1Cor 5,7-8).

+ Xét theo tác dụng, men có một sức biến cải đặc biệt Chúa Giêsu dùng kiểu nói “dậy men”, và chắc chắn Ngài chỉ lưu ý tới tác dụng này mà không cần quan tâm tới men là đồ tốt hay đồ xấu. Thánh Phaolô cũng hiểu như vậy: “Anh em không biết sao? Chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột!” (1Cor 5,6). Trong dụ ngôn nói trên, men chỉ các môn đệ và khối bột chỉ đại chúng nhân loại, chỉ thế gian đã xa Thiên Chúa, và tác dụng của men = môn đệ, là cảm hoá từ bên trong cả khối bột bằng nhân loại.

Hình ảnh rất rõ, rất gợi ý, và rất dễ áp dụng vào các anh chị em Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ, sống giữa đời mang theo tâm trạng “ khao khát các linh hồn” (Tự sắc đã dẫn số 2). Họ phải biến cải môi trường họ sống. Vấn đề tế nhị là, biến cải cách nào đây? Tác động của men là tác động êm đềm, kín đáo chứ không là tác động của chất nổ; ta cũng tác động như men vậy. Chủ yếu việc tông đồ của ta là tông đồ gián tiếp. Qua việc bổn phận được làm chu đáo, qua tác phong đạo đức đầy nhân đạo của ta, qua một niềm tin sắt đá vào ơn Chúa, vào sức mạnh Chúa Thánh Linh; qua lời cầu nguyện thắm thiết, qua lòng quảng đại hy sinh, chính các Ngài đã cải hóa lòng người. Niềm tin tự hạ có sức truyền nhiễm. Hữu xạ tự nhiên hương: có hương là có thơm.

Sau đó, dùng sức men là Bác ái. Bác ái theo đúng như Thánh Phaolô đã tả:

“Bác ái thì khoan dung, nhân hậu;
Bác ái không ghen tuông
Bác ái không ba hoa, không tự mãn.
Không khiếm nhã, không ích kỷ,
Không cáu kỉnh, không chấp nhận sự dữ.
Không mừng trước sự bất công,
Nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật.
Trong muôn sự,
Bác ái hết lòng bao dung,
Hết lòng tin kính,
Hết lòng trông cậy,
Hết lòng kiên nhẫn”. (1Cor 13, 4-7)

Bác ái trong tâm hồn, trong lời nói, trong việc làm, … bác ái như trên, tự nó là mục đích, tự nó có sức mạnh. Đừng bắt nó phải theo điều kiện nào, dầu là điều kiện “trở lại” của anh chị em nào đó. Tránh những kiểu dụ đạo ngây ngô lố bịch. Phải tế nhị đối với các tâm hồn, như Chúa tế nhị đối với họ. Biến cải một tâm hồn là việc của Chúa. Nếu ta có sứ mệnh làm men đi nữa, điều đó có nghĩa là sức mạnh của men phải là sức mạnh của Chúa trong ta, qua ta và phần nào nhờ ta như một dụng cụ, như một “Đầy tớ vô dụng, không làm gì hơn là phận sự phải làm” (Lc 17,10), không dám kể công và đòi quyền lợi gì cả.

Điều trên đây không có nghĩa là khi có dịp tốt, gặp cơ hội thuận tiện, ta không được phép làm việc tông đồ trực tiếp. Gặp một tâm hồn thiện chí, muốn tìm hiểu Đạo, mà ta thấy là một mảnh đất tốt, tại sao lại không dám đem hạt giống Tin mừng gieo vãi? (Mt 13, 8). Nhưng gieo rồi, đừng gây sức ép, mà để Lời Chúa tự mọc lên như Chúa nói trong Phúc âm (Mc 4, 26-29). Nhưng đó vẫn là một việc tông đồ theo cơ hội. Cách làm việc của ta, chủ yếu, là cách làm việc của men, như Đức Thánh Cha Piô XII đã nói: “một chút men khiêm tốn, nhưng hữu hiệu, có thể hoạt động mọi nơi và mọi lúc, có thể trà trộn với mọi tầng lớp xã hội, từ tầng lớp thấp nhất tới tầng lớp cao nhất, làm sao để chạm tới và thấm nhuần tất cả và mỗi một tầng lớp, bằng gương sáng và bằng đủ mọi cách, cho tới khi thấm vào toàn thể khối bột, làm cho cả khối dạy men và biến đổi trong Đức Kitô” (Tự sắc đã dẫn, phần mở đầu).

c. Các con sẽ là CHỨNG NHÂN của Ta” (Cv 1,8)

Chứng tá, chứng nhân, làm chứng, là một trong những loại từ ngữ công đông Vat. II đã dùng nhiều lần (# 100 lần) trong các văn kiện để diễn tả việc tông đồ của mỗi thành phần trong Giáo Hội. Đây một vài ví dụ:

+ Toàn thể Dân Chúa phải làm chứng: “ Dân Thánh Thiên Chúa tham dự vào chức Tiên tri (= ngôn sứ) của Chúa Kitô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Ngài, nhất là qua đời sống Đức Tin và Đức ái” (GH, số 12).

+ Mỗi Giáo đoàn, phải làm chứng: “ Vì Danh Chúa sống trong các cộng đoàn, nhất là các cộng đoàn Giáo phận và Giáo xứ… nên các cộng đoàn ấy cũng phải làm chứng Đức Kitô trước mặt muôn dân” (TG, số 37).

+ Mỗi giáo hội trẻ mới thành lập phải làm chứng: “ Nhiệm vụ chính của giáo dân (trong các Giáo hội trẻ nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô, làm chứng bằng đời sống và lời nói trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp” (TG, số 21).

+ Mỗi Giám mục phải làm chứng: “ các Giám mục đã được uỷ thác việc điều hành Giáo hội Chúa, hãy cùng với các Linh mục của mình rao giảng sứ điệp của Chúa Kitô… Bằng đời sống và lời giảng, hợp cùng các Tu sĩ và Giáo hữu của mình, các Ngài hãy làm chứng rằng GH là nguồn năng lực vô tận thế giới ngày nay rất cần đến, nguyên bằng sự hiện diện và kho tàng ân huệ của mình” (MV số 43).

+ Mỗi Linh mục phải làm chứng: “ Các Linh mục kết thành các vòng hoa thiêng liêng của hàng Giám mục … Các Ngài phải được dư đầy của cải thiêng liêng, phải là nhân chứng sống động của Thiên Chúa trước mặt mọi người (GH, số 41).

+ Mỗi Tu sĩ phải làm chứng: “ Hết thảy các Tu sĩ hãy nhờ Đức Tin trọn hảo, Đức Mến Chúa yêu người, lòng mến Thánh Gía và niềm cậy trông vinh quang đời sau mà truyền bá Phúc âm Chúa Kitô khắp toàn thế giới, để mọi người thấy họ là những nhân chứng của Ngài và ngợi khen Cha chúng ta trên trời.” (DT, số 25).

+ Giáo dân phải làm chứng: Giáo dân được thánh hiến thành những tư tế vương giả và dân tộc Thánh (1Pr 2, 2-10) hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô, mọi nơi trên hoàn cầu” (Sắc lệnh về Tông huấn giáo dân, số 3).

Như vậy, ai trong Giáo hội cũng phải là nhân chứng của Chúa Kitô. Với lời khấn, bổn phận làm nhân chứng của người tận hiến trở thành bắt buộc hơn, khẩn trương hơn, quảng đại hơn, và nhiều khi khó khăn hơn. Vấn đề đặt ra là cách mỗi người có thể và phải làm nhân chứng mỗi khác. Cách làm nhân chứng của người tận hiến giữa đời, chủ yếu là không chuyên biệt, mà phải sống cả cuộc đời trần thế của mình đã được thấm nhuần Tin Mừng. “ vì đã được thánh hiến cho Thiên Chúa ngay khi cố gắng sống trọn lành (Bằng việc tuyên khấn), nên toàn thể đời sống của thành viên Tu hội đời phải được biến thành hoạt động tông đồ. Phải làm việc tông đồ bền bỉ và thánh thiện với ý hướng ngay lành, luôn luôn sẵn sàng kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, quyết liệt từ bỏ mình, quảng đại xả thân. … vì khao khát các linh hồn” (Tự sắc đã dẫn, số 2). Nói khác đi, cách làm nhân chứng này là chính sự hiện diện của người tận hiến giữa đời, của tất cả con người của họ, với những khả năng nghề nghiệp trần thế của họ, nhằm xây dựng nước Chúa qua những nỗ lực xây dựng Nước trần thế trên Công bình và Bác ái.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Lối sống tận hiến giữa đời tương quan với mầu nhiệm Kitô thế nào?
2. Tận hiến giữa đời quan hệ với Đời sống Đức Kitô thế nào?
3. Có những lời nào của Chúa Giêsu đặc biệt thích hợp và làm nền tảng cho Tu hội đời?
4. Thành viên Tu hội đời làm Muối cho đời thế nào?
5. Thành viên Tu hội đời làm Ánh sáng cho đời thế nào?
6. Thành viên Tu hội đời làm Men cho đời thế nào?
7. Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ làm Chứng Nhân cho Chúa cách nào?


 
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment