Chương 9: Tu Hội Đời Trong Tương Quan Với Công Đồng Vatican II | CôngGiáo.org
≡ Menu

Chương 9: Tu Hội Đời Trong Tương Quan Với Công Đồng Vatican II

Mối tương quan này, chính Đức Thánh Cha Phaolô VI đã khám phá ra và nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho các Tu Hội Đời: “Trong một lúc như lúc này, với ơn gọi đặc biệt và tận hiến giữa giòng đời, các Tu Hội đời quả là những dụng cụ Chúa quan phòng ban cho để cụ thể hoá tinh thần công đồng Vatican II và để thông truyền tinh thần ấy cho toàn thể Giáo Hội. Nếu trước công đồng, cácTu Hội Đời đã phần nào sống tinh thần đó, thì ngày nay các Tu Hội ấy càng phải là những nhân chứng chuyên môn và gương mẫu, làm chứng cho sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới. Ngày nay không thể nói rằng các chỉ thị rõ ràng hay những văn kiện thường xuyên của Giáo Hội đã đủ đề cập hoá Giáo Hội, như còn cần phải có những con người và những tổ chức ý thức trách nhiệm của mình, là thực hiện và truyền đạt tinh thần mà Công Đồng hằng mong ước thực hiện và truyền đạt. Sứ mênh cao cả này đã được trao phó cho các con: các con hãy trở thành những gương mẫu cho người khác thấy Giáo Hội luôn cố gắng tìm cách thiết lập một quan hệ với thế giới để phục vụ thế giới”.

Đức Thánh Cha nói rõ thêm : “Các Tu Hội Đời của chúng con phải luôn trở nên những kiểu mẫu và gương sáng cho những người muốn sống tinh thần mà Công Đồng đã muốn cho Giáo Hội phải có, để nhờ các con, thế giới tránh được cảnh điêu tàn mà phong trào tục hoá luôn đe doạ khi chỉ đề cao những giá trị nhân bản và tách biệt chúng khỏi Đấng đã khai sinh ra chúng và đã cho chúng một ý nghĩa định hướng chúng về cứu cánh đời đời”. (Huấn từ 02.02.1972 kỷ niệm 25 năm Tông Huấn “Hội Thánh Mẹ Quan phòng”).

Như vậy, thực có một mối tương quan giữa Tu Hội Đời và tinh thần Vatican II. Hơn nữa, trong một đoạn trước đó, Ngài khẳng định mối tương quan giữa Tu hội đời và Vatican II như sau : “Không ai lại không thấy có sự trùng hợp sâu xa và do Chúa Quan Phòng giữa đặc sủng của Tu Hội đời với một số các định hướng quan trọng và rõ ràng nhất của Công Đồng : GiáoHội hiện diện trong thế giới”. Ta sẽ đào sâu hơn hai sự trùng hợp nói trên: Trường hợp tinh thần Vatican II, và trùng hợp trong những định hướng chủ yếu của Vatican II.

I/ TU HỘI ĐỜI TRÙNG HỢP VỚI TINH THẦN VATICAN II

Để vắn tắt, ta chỉ suy tư về ba thái độ của Vat. II đối với trần thế : Thái độ cởi mở, thái độ tích cực chấp nhận và thái độ nhờ vả.

1/ Thái độ cởi mở:

Ngoài những thành tích nhãn tiền như có thể sờ thấy, Vatican II còn đạt được một thành tích căn bản là linh hồn của mọi cuộc canh tân : đó là những thái độ cởi mở, một vị Giám mục nghị viện có tuổi trong những ngày đầu của Công Đồng đã tuyên bố : “Chúng tôi sẽ luôn bỏ phiếu” “ thuận” mỗi khi trình bày Giáo Hội có thái độ cởi mở” (R. Laurentin, Bilan de Coucile. S.d.v, 363). Thái độ này có tính đa dạng, nhưng tựu trung quy về hai thái độ cởi mở tổng hợp này : cởi mở ối với Thiên Chúa Đấng cứu độ, và cởi mở đối với thế gian cần phải được cứu độ.

Cởi mở với Thiên Chúa là : trở về nguồn mạc khải, là xác nhận lại tính ưu việt của Tin Mừng trên một số những định chế Giáo Hội thêm vào sau, là học lại những bài học Thiên Chúa đã viết trong lịch sử Giáo Hội, là chấp nhận những bài học của cuộc sống hiện giờ và biết tự kiểm thảo theo anh sáng Tin Mừng. Ở đây, ta đặc biệt lưu ý thái đô cởi mở đối với thế giới.

Cđ. Vatican II vượt qua thuyết nhị nguyên về con người và thế giới. Đã có một thời kỳ, do ảnh hưởng linh đạo của các Dòng tu đã phần nào bị thấm nhuần triết học Platon và Pythagore, Giáo Hôi xem ra như “ghét” thế gian, khinh miệt thế gian, sợ thế gian, cho nó là xấu, là tù giam hãm linh hồn. Do đó phải xa lánh thế gian vật chất và như vậy vật chất, lịch sử và các giá trị trần thế do công lao con người trần thế tạo nên đã không được sáp nhập vào một cái nhìn tổng thể Kitô giáo. Sau này, nếu có nhận trần thế vật chất đi nữa nó cũng bị giảm thiểu hay bị bỏ ra một bên, hoặc cùng lắm, chỉ là phương tiện của thế giới thần thiêng. Người ta đã đem ra nhiều lý do tại sao đôi khi Giáo Hội có thái độ trịch thượng như thế đối với thế giới? Chắc chắn thời Trung cổ có lỗi một phần, khi thế giới thần thiêng đảm đương tất cả thế giới phàm trần, làm cho con người trần thế ở trong tình trạng vị thành niên, không tích cực tham gia việc hoàn tất thế giới theo chương trình Thiên Chúa. Nhưng, cũng phải công bằng nhìn nhận rằng vào thời Trung cổ đó đây cũng có phong trào đòi tự trị cho trần thế: các ông hoàng đã bắt đầu tranh đấu để thoát ly sự cai trị trần thế của hàng Giáo Phẩm; các thần học gia và triết gia – như thánh Albertô và Tôma – bênh vực nền tự trị của các thực tại tự nhiên, kể cả thực tại chính trị và xã hội. Dầu vậy phong trào trên chưa chín mùi, và phải đợi tới Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vào thế kỷ 19, Giáo Hội mới thực công khai chính thức công nhận tính thế tục của những thực tại dưới đât. Và với Vatican II, việc công nhận như trên đã được long trọng khẳng định lại trước mặt một thế giới đang ngóng chờ một thái độ cởi mở của Giáo Hội. Đồng thời, quan niệm lại tính trần thế, tính thế tục phải được hiểu đúng như thế nào?

2/ Thái độ chấp nhận:

Giáo Hội cởi mở để đón nhận. Đây một số văn bản chính yếu của Vat. II:

“Công đồng ước ao trình bày cho mọi người biết mình quan niệm thế nào về sự hiện diện và hành động của Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Vậy thế giới trình bày ở đây là thế giới của con người, tức là toàn thể gia đình nhân loại với mọi sự thuộc môi trường sinh sống của gia đình này. Thế giới ấy là sân khấu của lịch sử nhân loại và là thế giới được ghi dấu bằng những cố gắng, thất bại và thắng lợi của nhân loại: thế giới ấy, người Kitô hữu tin là được tình yêu của Đấng Tạo hoá tác thành và bảo trì; thế giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng nhờ Chúa Kitô chịu chết và sống lại bẻ gẫy uy quyền của Thần dữ, nó đã được giải thoát để thay hình đổi dạng tiến tới sự viên mãn theo dự định của Thiên Chúa” (Mục vụ.2). Nơi khác, công đồng nói rõ hơn : “Hẳn thật ý định Thiên Chúa về thế giới, là loài người đồng tâm nhất trí xây dựng và làm tốt đẹp thêm những thực tại trần thế. Tất cả những gì làm thành trần thế, như: những giá trị của đời sống và của gia đình, văn hoá, những thực tại kinh tế, những nghề nghiệp. những cơ chế cộng đồng chính trị, những bang giao quốc tế và các thực tại như thế, cuộc tiến hoá và tiến bộ của các thực tại trên, tất cả không những chỉ là những phương tiện đạt tới mục đích cuối cùng của con người, mà chúng còn có giá trị riêng do Thiên Chúa phú ban, hoặc xét theo từng thực tại, hoặc xét chúng như thành phần của tổng thể vũ trụ trần thế. “Thiên chúa nhìn vạn vật Ngài đã tạo nên hết thảy đều rất tốt đẹp” (STK 1,31). Chúng còn tốt đẹp và chiếm một chức vị đặc biệt trong tương quan với con người mà chúng được dựng nên để phục vụ. Cuối cùng, Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp mọi thực tại tự nhiên và siêu nhiên thành một toàn khối trong Đức Kitô, để Đức Kitô nắm ưu quyền trong tất cả (Col 1,18). Sự tập họp này không làm cho những thực tại trần thế mất sự tự trị, mất cứu cánh riêng, các định luật và những phương tiện riêng, hoặc mất tầm quan trọng trong việc mưu ích cho loài người. Trái lại, còn làm cho chúng thêm vững chãi, thêm giá trị hơn; đồng thời nâng cao chúng lên cho hợp với thiên chức toàn vẹn con người sống trên mặt đất” (Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 7). Dĩ nhiên, sau tội tổ tông, trật tự trần thế đã bị đảo lộn, khiến xưa và nay, “phong hoá và những định chế con người bị hư hỏng và chính nhân vị đôi khi cũng bị chà đạp… Nhiều người quá tin tưởng vào tiến bộ khoa học và kỹ thuật, nên muốn tôn thờ trần thế hơn là làm chủ chúng” (số đã dẫn). “Do vậy, công việc của toàn thể Giáo hội là làm cho con người có khả năng xây dựng đứng đắn toàn thể trật tự trần thế và quy hướng chúng về Thiên Chúa qua Chúa Kitô” (số đã dẫn).

3/ Thái độ nhờ vả:

Trước kia, Giáo hội xem ra chưa có lần nào tuyên bố công khai và long trọng rằng mình cần đến thế giới. Việc này,Giáo hội đã làm, trong Hiến Chế Mục Vụ số 44. Giáo hội tuyên bố đã, đang và sẽ nhờ vào trần thế trong mấy lãnh vực sau đây :

a/ Nhờ vả nền văn hoá trần thế :”Kinh nghiệm của những thế kỷ đã qua, tiến bộ của khoa học, các của báu chứa trong những hình thức văn hoá nhân loại khác nhau đã biểu lộ đầy đủ hơn bản tính của chính con người và mở ra những con đường mới dẫn tới chân lý : tất cả đều có ích cho Giáo Hội. Thực vậy, ngay từ buổi đầu lịch sử của mình, chính Giáo Hội đã cố gắng diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo hội còn cố gắng dùng chính sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy, làm như vậy và trong mức độ bao nhiêu có thể, Giáo hội nhằm thích nghi Phúc Am với tầm hiểu biết của con người cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết. Rao giảng lời mạc khải như vậy còn phải là lề luật cho mọi công việc truyền giáo, bởi vì có thể mới khơi dậy trong mọi quốc gia khả năng diễn tả sứ điệp Chúa Kitô theo lối riêng của mình và đồng thời mới khuyến khích dược sự trao đổi sinh động giữa Giáo Hội và các nền văn hoá khác nhau của các dân tộc”.

b/ Nhờ vả những tổ chức trần thế : “Giáo hội có một cơ cấu xã hội hữu hình, dấu chỉ sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, nên Giáo Hội cũng có thể được phong phú thêm và thực đang được như thế nhờ cuộc biến hoá đời sống xã hội nhân loại, không phải vì Giáo Hội do Chúa Kitô tổ chức thiếu một cái gì, nhưng là để hiểu biết tổ chức Giáo Hội cách sâu xa hơn để diễn tả Giáo Hội cách trung thực hơn, và thích nghi tổ chức Giáo hội cách hoàn hảo hơn với thực tại ta sống… Qủa thực, tất cả những ai phát triển cộng đồng nhân loại trong phạm vi gia đình văn hoá, kinh tế, xã hội, chính trị, trên bình diện quốc gia và quốc tế, đều giúp không ít cho cộng đồng Giáo Hội theo sát ý định của Thiên Chúa trong mức độ Giáo hội lệ thuộc những yếu tố bên ngoài”.

c/ Nhờ vả cả những cuộc bách hại: “Giáo hội còn nhìn nhận rằng chính sự chống đối của những người công kích hay bách hại Giáo Hội, đã và còn đang có thể giúp ích cho Giáo Hội.

4/ Tu hội đời theo sát tinh thần Vatican II

Lăn xả vào đời sống giữa giòng đời, người tận hiến dĩ nhiên là phải cởi mở, phải chấp nhận những điều tốt của Đời, phải thanh tẩy những điều xấu của Đời, và luôn luôn nhờ Đời, nhờ những phương tiện của Đời để nên thánh và trợ tá việc Tông đồ. Vì thế Công đồng thêm: “Giáo hội đặc biệt cần đến sự đóng góp của những người sống trọn Đời…”. Tu hội đời thoả mãn sự cần thiết đó.

Họ biết phân biệt đâu là tuyệt đối, đâu là tạm thời. Tuyết đối, chỉ là Thiên Chúa hằng sống và Đấng Ngài sai, là Đức Giêsu Kitô mà thôi (Mt 16,25-26; Mc 8,35-36). Tuyệt đối là Lời Chúa (Mt 24,35; Mc 13,31; Lc 21,33). Tuyệt đối là Nước Trời hậu thế Chúa dành cho ta mai sau (Mt 25,34). Nhưng ta chuẩn bị tới đó qua đời sống hiện thế này, bằng Bác Ai hay ở trần thế, những gì tạm thời, nhưng rất cần thiết. Người tận hiến giữa đời biết yêu Đời, yêu nghề, yêu xí nghiệp, công nhận những giá trị của Đời y hệt như Chúa Giêsu và thánh Giuse yêu gia đình Nazareth, yêu làng mạc yêu cái đục cái cưa; giống như Đức Mẹ yêu việc nội trợ, yêu lối sống thông thường của người phụ nữ chung quanh v.v… Đúng là ta theo một ơn gọi “nhập thể” như Đức Kitô nhập thể, nên giống như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Tu hội đời là thế đó. Thừa sai Chúa Giêsu Tôi Tớ là vậy đó.

II. TU HỘI ĐỜI THEO ĐÚNG HƯỚNG CỤ THỂ VAT. II

Mỗi Công đồng (trong số 21 Công đồng) đều có một hướng đi riêng, hợp với mục tiêu của mình và nhu cầu thời đại. Đã có những Công đồng Giáo lý, nhằm giải quyết những điểm hoặc riêng từng điểm như về Chúa Ba Ngôi (Nicéa năm 451) về Mầu Nhiêm Nhập Thể (Ephêsô 431, Calcedonia 451)v.v… hoặc về nhiều hay tất cả điểm giáo lý, như Công đồng Triđentinô (1545-1563), Vatican I (1870) v.v…

Các công đồng trước Vatican II thường lên án những bè rối nọ bè rối kia, và thường là có tính cách đối nội, tức là đối thoại với các tín hữu của Giáo Hội.

Công đồng Vatican II đã theo một phương pháp khác, không chống lại một ai, lại còn tự ý thức về mình, tự kiểm thảo, để rồi sẵn sàng đón tiếp mọi người, chứ không chỉ đối thoại với con cái của Giáo Hội mà thôi. Do đó, Vatican II đã có những định hướng riêng rất cụ thể. Ở đây, ta lưu ý tới ba định hướng nổi bật nhất và đặc sắc nhất, hầu lấy đó làm nguồn cảm hứng cho Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ sống tận hiến giữa đời.

1/ Hướng mục vụ của Vatican II:

Đây là hướng đi căn bản của Công đồng chung XXI (1962-1965). Tất cả các văn kiện Công đồng thấm nhuần tinh thần mục vụ này. Nhưng đặc biệt, Hiến Chế “ Giáo hội trong thế giới ngày nay”, bắt đầu bằng hai chữ “vui mừng và hy vọng” đã được chính công đòng gọi là “Hiến chế mục vụ vì dựa trên những nguyên tắc giáo lý, Hiến chế nhằm trình bày thái độ của Giáo Hội với thế giới và với con người ngày nay” (MV số 1).

Đây là hai bên của cuộc đối thoại : Giáo Hội – Thế giới, đối tượng (hay nội dung) của hai Hiến chế sâu rộng nhất của Vatican II: Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Anh sáng muôn dân” và Hiến chế mục vụ đang nói đây. Tầm quan trọng mục vụ của văn kiện được nổi bật do sự kiện là Công đồng đã theo đề nghị của Đức Thánh Cha Phaolô VI, quyết định nâng văn kiện lên hàng một Hiến chế, chứ không chỉ là một bản Tuyên ngôn, một sứ điệp của Công đồng, như một số nghị phụ chủ trương. Giáo hội nhất định không tự co rút vào trong vỏ như con sò con hến, không chịu giam mình trong một pháo đài để tự vệ. “Sau khi đã đào sâu hơn mầu nhiệm Giáo Hội, Công Đồng Vatican II không chỉ ngỏ lời với con cái Giáo hội hay các người mang danh Chúa Kitô, mà còn không chút ngần ngại gặp gỡ nói chuyện với tất cả mọi người” (MV số 2).

Cuộc gặp gỡ này gần gũi thân mật tới mức độ nào, thời tuỳ sự phân công vừa do Chúa Giêsu vừa do Giáo Hội thực hiện đối với mỗi hạng thành viên. Hàng giáo sĩ có công tác chủ yếu là trực tiếp rao giảng lời Chúa, cử hành các Bí tích, nhất là lễ Misa, mặc dầu khi nào thấy cần Giáo Hội trao cho những việc trần thế khác (như các vị linh mục thợ). Hàng giáo dân có công tác chủ yếu là : lăn lộn với Đời hơn, sống trong Đời, giữa Đời. Các Tu hội đời như Tu hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ chúng ta, lựa chọn lối sống gần với giáo dân hơn, hoặc sống như giáo dân, ngoại trừ những gì làm nên đời sống tận hiến, tức giữ ba lời khuyên Phúc Âm. Qua chúng ta, Giáo Hội thực sự và như trọn vẹn lăn xả vào Đời. Mục vụ của Giáo Hội không còn chỉ hạn hẹp trong bốn bức tường Nhà thờ, cũng không chỉ nhằm vào những con chiên, mà còn qua các Tu hội đời, bao quát cả thế giới vật chất, cả thế giới con người, với những nghề nghiệp, với những lo âu khắc khoải cũng như với những vui mừng và hy vọng. Đem đời tận hiến của mình vào sống trong môi trường đó, đó là phương pháp mục vụ được sử dụng có hiệu lực nhất ngày nay vậy.

2/ Hướng phục vụ của Vatican II:

Xưa kia, vào thời Kitô chế (lúc toàn Au châu có cùng một niềm tin và cùng phong hoá kitô giáo), Giáo hội như thứ thần quyền bắt thế giới phục tùng mình, quy thế giới về chính mình, dĩ nhiên, là để làm vinh danh Thiên Chúa. Giáo Hội thời Vatican II lại quy mình về thế giới và hạ quyết tâm phục vụ thế giới. Đã hẳn khi quay về với thế giới, sứ mệnh chủ yếu của Giáo Hội là kéo thế giới về với Tin Mừng, và cho thế giới những phương tiện để thế giới trở thành Dân Chúa được. Tuy nhiên, Giáo Hội còn có một sứ mệnh khác là phục vụ thế giới như sẵn có đây, như thế giới vẫn cứ là thế giới, cho tới khi Giáo Hội và thế giới cả hai nên một trong vương quốc cánh chung. Nghĩa là Giáo Hội muốn giúp thế giới thành công trong lãnh vực trần thế, trong những dự kiến riêng của thế giới. Tất nhiên, Giáo hội không phục vụ thế giới trong hết mọi lãnh vực. Có những lãnh vực, như xây cầu cống, cất cửa cất nhà, làm hoả tiễn các cỡ v.v… Giáo hội với tư cách riêng là Giáo hội, không có sở trường chuyên môn. Giáo hội chuyên môn vấn đề con người, và Giáo hội phục vụ thế giới mỗi khi thế giới phải giải quyết vấn đề con người. Mà vấn đề nào do con người, lại không phải là vấn đề về con người ?

“Con người hôm nay, bỡ ngỡ đầy cảm phục trước những khám phá và quyền lực của mình, đang lo âu xao xuyến đặt vấn đề về sự tiến hoá hiện tại của thế giới, về chỗ đứng và vai trò của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa những cố gắng của mình, cá nhân cũng như tập thể về cứu cánh cuối cùng của muôn vật và của loài người. Nhiệm vụ của Công Đồng là làm chứng và hướng dẫn niềm tin của dân Chúa mà Đức Kitô đã tập hợp lại. Dân này cũng lại thuộc thành phần nhân loại. Nên công đồng không biết làm gì hơn để tỏ tình liên đới, kính trọng và yêu thương đối với gia đình nhân loại, là tìm cách trao đổi với nhân loại về vấn đề nói trên. Công đồng không biết làm gì hơn là lấy Anh sáng Tin mừng chiếu soi trên những vấn đề ấy và nhờ Thánh Thần Chúa, đem tới cho nhân loại sức mạnh cứu rỗi của Chúa Kitô Đấng sáng lập Giáo Hội … Công đồng tuyên bố sứ mệnh con người rất cao cả và khẳng định nơi con người có mầm sống Thiên Chúa. Do đó, Công đồng cống hiến cho nhân loại sự hợp tác chân thành của Giáo hội, để thiết lập một tình huynh đệ đại đồng phù hợp với sứ mệnh đó. Giáo Hội không tham vọng trần thế nào. Giáo Hội chỉ nhằm một điểm duy nhất là : với Chúa Thánh Thần dẫn dắt, Giáo hội tiếp tục công trình của Chúa Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý, để cứu độ chứ không lên án, để phục vụ chứ không để được phục vụ (xem Ga 3,17; Mt 20,28; Mc 10,45) (Hiến chế mục vụ số 3)

Hàng Giáo phẩm phục vụ con người như trên bằng gieo rắc ánh sáng Tin mừng, để soi đường chỉ lối. Người tận hiến sống giữa đời, như các Thừa sai Chúa Giêsu Tôi tớ, phục vụ con người trực tiếp bằng lao công của mình, bằng nghề nghiệp trần thế của mình mà chính mình lãnh trách nhiệm riêng hoàn toàn.

Có thể nói, việc phục vụ lưỡng diện đó đã bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Lêo XIII, nhất là với thông điệp “Tân sự” – (Rerum Novarum); Đức Gioan 23 với thông điệp “Mẹ và Thầy”, “Hoà bình trên trái đất”; Đức Phaolô VI với thông điệp “Phát triển các Dân tộc” và Cđ Vat II với :Hiến chế mục vụ”.

Giáo hội quả là “nữ tì của nhân loại” (Phaolô VI), đặc biệt qua việc phục vụ của người tận hiến giữa đời sự phục vụ của họ không đến từ quyền bính nào. Nó đến từ những xác tín, từ những động lực của một lương tâm đã được tôi luyện trong lòng Giáo Hội, qua ba lời khấn.

3/ Hướng công tác của Vatican II:

Cộng tác nói đây, dĩ nhiên, không có hạn chế hạng người mà ta cộng tác với. Tuy nhiên, theo tinh thần Công Đồng, Giáo Hội muốn ta cộng tác với những “người khác” với những người không cùng tín ngưỡng, cả với những anh em vô tín ngưỡng nữa. Và đây là điểm khá mới trong hướng mục vụ của Vatican II. “Cùng chung một di sản Tin Mừng, cùng chung một bổn phận làm chứng cho Chúa Kitô, người công giáo nên và thường phải cộng tác với các Kitô hữu khác, hoặc cá nhân với cá nhân, hoặc giữa các cộng đoàn Giáo hội, cộng tác vào các hoạt động hoặc tham gia các đoàn thể quốc gia hay quốc tế. Cùng chung những giá trị nhân bản, người Kitô hữu làm việc tông đồ cũng thường phải cộng tác với những người tuy ngoài Kitô giáo, nhưng cũng nhìn nhận những giá trị nhân bản đó. Nhờ sự cộng tác linh động và khôn ngoan này, nhờ sự cộng tác đặc biệt quan trọng trong các hoạt động trần thế, người giáo dân làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng Cứu chuộc thế giới và làm chứng cho tình đoàn kết của toàn gia đình nhân loại” (Sắc lệnh đã dẫn 27).

Về cách cộng tác, nói chung, trước hết phải loại trừ những phương tiện có vẻ giương oai. Sau đó tuỳ từng lãnh vực mà ấn định hình thức cộng tác khác nhau: cộng tác như men trong bột, như linh hồn trong thân xác, thấu nhập vào mọi hoạt động trần thế (ngoại trừ tội); cộng tác bằng sự hiện diện, bằng chứng tích của cả một đời sống (Hiến chế mục vụ số 40,43,44,62,76). Các cách cộng tác này rất hợp với các Tu hội đời.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Căn cứ vào đâu để nói rằng Tu hội đời rất phù hợp với tinh thần Cđ. Vatican II?
2. Tu hội đời trùng hợp với Cđ. Vatican II ở những điểm nào?
3. Tu hội đời tương hợp với hướng mục vụ của Cđ. Vatican II thế nào?


 
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment