Lưu Truyền Mặc Khải | CôngGiáo.org
≡ Menu

Lưu Truyền Mặc Khải

I. MỤC ĐÍCH LƯU TRUYỀN MẶC KHẢI

Thiên Chúa mặc khải để cứu độ con người. Vì thế, mặc khải của Thiên Chúa cần được loan báo cho muôn dân. Và Thiên Chúa đã ân cần sắp đặt để mặc khải ấy luôn được bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ.

II. CÁCH THỨC LƯU TRUYỀN MẶC KHẢI

Mặc khải được lưu truyền trọn vẹn cho con người qua Thánh Kinh và Thánh Truyền

1.Thánh Kinh

a. Thánh Kinh là gì?

Thánh Kinh là sách ghi lời Thiên Chúa. Những gì Thiên Chúa mặc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày đều được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, Thánh Kinh cũng là sách của con người, được viết bằng ngôn ngữ con người, vào một thời điểm lịch sử xác định, do những con người cụ thể với những cá tính khác nhau. Thánh Kinh là lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ của con người.

b. Tác giả của Thánh Kinh

Thiên Chúa là tác giả chính, còn các thánh ký là những tác giả phụ (cộng tác viên của Thiên Chúa)

c. Thánh Kinh được viết như thế nào?

Thiên Chúa tác động trên trí tuệ và ý chí của các tác giả. Thiên Chúa soi sáng để các ngài quan niệm đúng điều phải viết, viết những điều vượt tầm hiểu biết tự nhiên của con người. Thiên Chúa tác động trên ý chí để thúc giục các tác giả viết và chỉ viết những gì Thiên Chúa muốn mà thôi. Hội Thánh gọi đó là ơn linh hứng.

Các tác giả dùng khả năng Chúa ban và quan niệm đương thời để diễn tả thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, để tuyên xưng quyền năng và sự khôn ngoan của Người. Do đó, các tác giả đã để lại trong các tác phẩm những đặc tính riêng biệt của mình.

Qua nhiều hình thức văn chương, các tác giả muốn dạy chúng ta những bài học về giáo lý. Điều tác giả muốn lưu truyền là những bài học giáo lý chứ không phải là những câu chuyện hay hình ảnh được dùng để diễn tả những bài học đó. Vì vậy, khi giải nghĩa Thánh Kinh, chúng ta phải tìm hiểu cẩn thận những gì tác giả thật sự trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của tác giả.

Tóm lại, trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với con người theo cách thức của con người.

d. Thánh Kinh gồm mấy phần chính?

Thánh Kinh gồm hai phần Cựu Ước và Tân Ước

– Cựu Ước, nghĩa là “Giao Ước cũ”, chỉ việc Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Ítraen qua trung gian Mô-sê trên núi Si-nai. Bộ sách Cựu Ước gồm 46 cuốn ; mục đích là để chuẩn bị cho Ítraen đón nhận lời hứa cứu độ.

– Tân Ước, nghĩa là “Giao Ước mới”, chỉ việc Đức Giêsu ký kết giao ước vĩnh cữu với toàn thể nhân loại bằng chính máu của Người trên thập giá. Bộ sách Tân Ước gồm 27 cuốn; mục đích là rao giảng Đức Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại.

Cựu Ước và Tân Ước liên kết chặt chẽ với nhau, như lời thánh Augustinô nói: “Tân Ước tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước trở nên sáng tỏ nhờ Tân Ước”. Do đó, học hỏi Cựu Ước giúp chúng ta hiểu Tân Ước hơn và ngược lại, khi tìm hiểu Tân Ước thì ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của Cựu Ước.

e. Nội dung của Thánh Kinh

Nội dung của Thánh Kinh là lịch sử cứu độ. Ghi lại những hành động và lời nói của Thiên Chúa đã ngỏ với con người, và tất cả những gì cần thiết để con người được ơn cứu độ.

f. Đọc Thánh Kinh như thế nào?

Trước hết, Thánh Kinh không phải là một cuốn sách đơn lẻ bình thường, nhưng là một công trình vĩ đại về văn học do rất nhiều người đã góp phần tạo nên trong suốt hơn 12 thế kỷ, chứa đựng cả một kho tàng tư tưởng phong phú với đủ mọi thể loại văn chương: lịch sử, triết lý, luật pháp, truyện, tình ca, châm ngôn, các lời tiên báo và những tâm tình cầu nguyện. Đây là một yếu tố quan trọng mà chúng ta cần lưu ý khi đọc Thánh Kinh.

Khi đọc một bản văn Thánh Kinh, chúng ta có thể gặp những vấn đề sau:

– Hiểu ngay. Ví dụ: Thiên Chúa kêu gọi tổ phụ Áp- ra-ham.

– Để hiểu đúng, phải có ý ngay lành và hướng thiện. Ví dụ: Thiên Chúa sát hại các con đầu lòng Ai cập để cứu Ítraen ra khỏi cảnh nô lệ.

– Nhiều điều khó hiểu nếu không được giải thích. Vì chúng là: những chân lý siêu việt vượt tầm hiểu biết tự nhiên của con người ; những biến cố không ai chứng kiến. Ví dụ: Thiên Chúa tạo dựng trời đất ; những chân lý được diễn tả bằng ngôn ngữ và hình ảnh xa xưa của nhiều nền văn hoá cổ đại, muốn hiểu chúng ta phải trở về nguồn ngôn ngữ và tìm lại hoàn cảnh xã hội, văn hoá thời ấy.

Khi đọc một bản văn Thánh Kinh, chúng ta cần lưu ý đến thể loại văn chương của nó. Vì mỗi thể loại văn chương đều có cách thể hiện và diễn tả chân lý khác nhau.

Chúng ta cần lưu ý đến các loại ý nghĩa trong một bản văn Thánh Kinh:

– Nghĩa văn tự: tư tưởng thể hiện qua câu văn, qua biến cố. Ví dụ: Biến cố Vượt biển đỏ tại Ai Cập của dân Ítraen đánh dấu ngày Dân được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai cập.

– Nghĩa ẩn dụ: ý nghĩa ẩn tàng bên trong biến cố, chỉ được nhận biết nơi Đức Kitô. Ví dụ: biến cố Vượt qua Biển đỏ của dân Ítraen là hình ảnh tiên báo cuộc vượt qua chiến thắng tử thần của Đức Kitô.

– Nghĩa luân lý: các biến cố được viết ra để răn dạy chúng ta. Ví dụ: biến cố rắn đồng trong sa mạc.

– Nghĩa thần thiêng: ý nghĩa vĩnh cửu của các thực tại và biến cố khi chúng hướng ta về Nước Trời. Ví dụ: Đức Giêsu phục sinh cho ta niềm tin tưởng rằng thân xác của chúng ta sau này cũng sẽ được phục sinh như Người.

Công đồng Vaticanô II đưa ra ba tiêu chuẩn khi đọc Thánh Kinh:

– Phải lưu ý đến “nội dung và tính thống nhất của toàn bộ Thánh Kinh”, đó là chương trình cứu độ duy nhất của Thiên Chúa mà Đức Kitô là trung tâm, là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa.

– Phải đọc Thánh Kinh trong “truyền thống sống động của toàn thể Hội thánh”. Bởi vì Hội Thánh giữ trong mình ký ức sống động của Lời Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần giải thích cho Hội Thánh ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh.

– Phải lưu ý đến “tính loại suy đức tin”, nghĩa là các chân lý đức tin liên kết chặt chẽ với nhau trong toàn bộ chương trình mặc khải.

2. Thánh Truyền

a. Thánh Truyền là gì?

Thánh Truyền chứa đựng Lời mà Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần đã uỷ thác cho các Tông Đồ. Các ngài lưu truyền toàn vẹn cho những người kế nhiệm. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng và gìn giữ, các ngài trung thành trình bày và phổ biến cho các tín hữu qua lời rao giảng, qua tổ chức của Hội Thánh, qua nếp sống đạo.

b. Thánh Truyền được diễn tả ở đâu?

– Các tác phẩm của các Giáo phụ.
- Những kinh nguyện xa xưa của Hội Thánh.
- Các văn kiện của Công đồng và của Giáo hoàng.
- Những hình thức đạo đức hay tôn chỉ thiêng liêng đã được Hội Thánh chấp nhận từ xa xưa.
- Nơi các di tích lịch sử của Hội Thánh.

c. Thánh Truyền được học hỏi như thế nào?

Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Thánh Truyền được tiến triển trong lịch sử Hội Thánh, không phải về bản chất nhưng về mặt hiểu biết. Nhờ học hỏi và suy niệm Lời Chúa của các nhà thần học, nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và nhờ lời giảng dạy của các giám mục: Thánh Truyền được hiểu biết ngày càng thấu đáo hơn.

3. Mối liên hệ giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền

Thánh Kinh và Thánh Truyền liên kết và hỗ trợ mật thiết cho nhau, vì cả hai cùng phát xuất từ một nguồn mạch duy nhất là Thiên Chúa và hướng về cùng một mục đích. Vì thế, Thánh Kinh và Thánh Truyền phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình yêu mến và kính trọng như nhau.

Câu hỏi thảo luận

1. Thánh Kinh và Thánh Truyền giống và khác nhau như thế nào?
2. Thánh Kinh là sách viết bằng ngôn ngữ của con người sao gọi là Lời Chúa?
3. Trong các trình thuật của Thánh Kinh, có nhiều chỗ sai khoa học, như vậy phải chăng Thánh Kinh không đáng tin cậy?


 
Trở về trang chính sách giáo lý vào đời: Giáo Lý Vào Đời

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment