Những Đặc Tính Của Giáo Hội | CôngGiáo.org
≡ Menu

Những Đặc Tính Của Giáo Hội

Ở bài thứ hai, chúng ta đã tìm hiểu về Hội Thánh và Vai trò của Hội Thánh. Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu về những đặc tính của Hội thánh.

Trong Kinh tin kính chúng ta đọc trong mỗi thánh lễ ngày Chúa nhật, chúng ta tuyên xưng: Hội thánh Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Đây chính là bốn đặc tính của Hội Thánh đã được công đồng Nice- Constantinople (n. 325) nêu lên, và sau này các Công đồng Ephêsô, Chalcedonia cũng như Vatican I nhắc lại.

1. Giáo hội Duy nhất

Vì ở nơi tận căn, Giáo hội là một mầu nhiệm hiệp thông mọi người với Thiên Chúa “trong Chúa Kitô”, nên tính duy nhất là một đặc điểm phản ánh sự sống và hoạt động của chính Giáo hội. Thư Ephêsô nói về tính duy nhất này thể hiện qua việc tuyên xưng: “chỉ một Chúa, chỉ một đức tin, chỉ một phép rửa” (Ep 4, 4 ; xc 1Cl 1, 10-30 ; Rm 12, 3-8 ; Cv 2, 42 ; Ga 3, 27). Sự duy nhất này không này của Giáo hội không phải là một giá trị tâm lý hay luân lý, mà nó mang một giá trị siêu nhiên. Chính Thiên Chúa duy nhất đã tập hợp loài người mọi nơi và mọi thời thành một dân duy nhất để yêu Ngài và Ngài yêu họ. Chúa Kitô đã dùng lời mà nối kết mọi người trong một hiệp thông duy nhất nhờ Thánh Thần đang hoạt động nơi Người. Giáo hội chỉ có một và là một. Tính chất duy nhất ấy, được thể hiện qua ba giá trị cơ bản sau:

– Một Đức tin: Đức Tin được chính Đức Giêsu dạy, truyền lại và được mặc khải viết ra trong Kinh Thánh và thánh truyền.

– Một Phụng vụ: nối kết bằng chính Bí tích Rửa tội.

– Một quyền bính: quyền tối thượng của người lãnh đạo tối cao là Đức Giáo hoàng.

Cũng biết rằng, đặc tính duy nhất cũng như những đặc tính khác của Giáo hội đều thể hiện vừa là ơn Chúa, vừa là trách vụ của con người. Là ơn Chúa tác động và được bảo đảm bởi Thánh Thần nên Giáo hội vẫn luôn duy nhất ; là trách vụ của con người đang lư hành cho nên sự duy nhất ấy vẫn còn ẩn chứa những bất toàn, khiếm khuyết. Vì thế, cho dù điều này không phá huỷ nhưng cũng phần nào che mờ sự duy nhất của Giáo hội. Cho nên, Giáo hội không nỗ lực cầu nguyện và mời gọi con cái mình tham gia vào việc kiến tạo sự hiệp nhất trong Giáo hội.

2. Giáo hội Thánh thiện

Thiên Chúa là Đấng Thánh. Đức Giêsu là Đấng Thánh. Đức Giêsu là Đầu Hội thánh. Hội thánh là Thân Thể của Đầu. Như thế, Đức Giêsu là Đầu là Đấng Thánh thì Thân Thể cũng được thừa hưởng sự Thánh ấy. Cho nên sống đời sống Giáo hội là sống đời Thiên Chúa. Do vậy, tự bản chất, Giáo hội là thánh. Thánh Phêrô đã nói về điều này khi viết: “Anh em là chủng tộc thánh thiện …” (1Pr 2, 9). Và đi xa hơn là “bạn trăm năm không tỳ ố của Chiên Con tinh tuyền” (Kh 19, 7). Mục đích của Giáo hội là thánh hoá mọi người trong Chúa Kitô để ngợi khen Thiên Chúa. Chân lý và lề luật Người truyền cho Giáo hội rao giảng là Thánh. Các phương thế để giúp người tín hữu nên
thánh đó là Lời Chúa, các Bí tích và Phụng vụ… tất cả đều có năng lực thánh hoá (Mt 7, 6 ; Ga 17, 17 ; 1Tm 4, 5).

Mặt khác, mỗi thành viên đều có sự thánh thiện khi nhận được ơn thánh hoá trong Bí tích Rửa tội. Thánh Tông đồ dân ngoại đã nói về ơn nghĩa này như sau: “Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Chúa đã chọn ta trong Đức Kitô để ta được nên thánh…” (Ep 1, 4). Hơn nữa, mỗi phần tử trong Giáo hội phải có bổn phận để nên thánh và nhiều người đã nên thánh một cách anh hùng qua đời sống bác ái, qua phúc tử đạo hoặc qua đời sống tu trì.

Tuy nhiên, vì nơi Giáo hội bao gồm những con người trần thế còn nhiều những khiếm khuyết cho nên, dù Giáo hội là Thánh thiện nhưng Giáo hội vẫn ấp ủ trong mình các tội nhân, do vậy, Hội thánh không ngừng được mời gọi thanh tẩy cho đến ngày tận thế. Song, không phải vì có những tội nhân ở trong Hội thánh mà Hội thánh giảm thiểu hoặc thua kém đi về sự thánh thiện của Giáo hội. Tội không cản trở Giáo hội là thánh mà chỉ cản trở sự nên thánh của Giáo hội. Sự thánh thiện vẹn toàn chỉ có ở nơi Giáo hội trên trời.

Chính vì lẽ ấy mà Giáo hội vẫn canh tân. Chính sự canh tân này biểu tỏ dấu chỉ có Chúa Thánh Thần đang hoạt động và hiện diện. Cũng vì là thánh nên Giáo hội cũng có thể tự canh tân để lớn lên trong ân sủng. Và cuối cùng, để Hội thánh mãi là thánh,c ác thành viên phải biết khai thách ngay trong lòng Giáo hội những phương dược tái tạo, làm phát triển sự thánh thiện.

3. Giáo hội Công giáo

Thánh Ignaxiô thành Antiochia là người đầu tiên sử dụng chữ “Công giáo” để chỉ Hội thánh Chúa Kitô. Cụm từ này mang ý nghĩa là “phổ quát”, là mở rộng đón nhận tất cả mọi người ở mọi thời đại, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc. Nhưng đặc tính này không chỉ mang ý nghĩa dựa trên số lượng người thoe đạo, mà cần dựa trên phẩm chất kẻ sống đạo. Có những lý do để hiểu về điều này:

– Tự bản chất, Giáo hội ẩn chứa nơi mình một khả năng phát triển và thích nghi với mọi không gian và thời gian ; với mọi nền văn hoá và trình độ văn minh mà không sợ bị sai lạc.

– Trong Giáo hội có đức tin chân chính đầy đủ, có đời sống Bí tích trọn vẹn, nghĩa là có đủ phương tiện để giúp người ta nên thánh, để cứu rỗi mọi người. Như vậy, Giáo hội có khả năng làm thoả mãn những nhu cầu chân chính của con người trong một sự quân bình kỳ diệu.

– Chính vì Hội thánh được sai đến với muôn dân (Mt 28, 19), nên Hội thánh có nhiệm vụ quy tụ toàn thể nhân loại dưới quyền một thủ lãnh là Chúa Kitô (Ep 1, 10).

Có thể thấy, đặc tính Công giáo của Giáo hội được thể hiện ngay ở các Giáo hội địa phương: mỗi vùng có truyền thống văn hoá, có nghi thức Phụng vụ, có di sản thần học riêng được Hội thánh đón nhận, duy trì và làm cho thăng tiến. Điều này lý giải khả năng thích nghi và phát triển của Hội thánh với mọi hình thái không gian thời gian và văn hoá dân tộc. Cũng trong ý nghĩa ấy, mọi người đều được mời gọi trở thành phần tử của Hội thánh. Trở thành phần tử của Giáo hội, con người gặp được mối hiệp thông đại đồng ngay ở đời này dưới thế và mai sau trên Nước Trời.

4. Giáo hội Tông truyền

Như chúng ta đã biết, đặc tính Công giáo cho biết sự hiện diện của Giáo hội ở khắp nơi và có tính không giới hạn không gian và thời gian. Còn đặc tính tông truyền cho thấy sự hiện diện ấy có một nền tảng được thiết lập hay được nối tiếp qua mọi thời đại.

Tông truyền là được truyền lại bởi các Tông đồ. Việc này hàm nghĩa tất cả những yếu tố chính yếu từ Chúa Kitô qua các Tông đồ đến với chúng ta được bảo đảm bằng một chuỗi kế thừa liên tục có thể nhận biết và chứng thực: giáo lý, phụng tự và các phương diện cứu chuộc. Chúng ta có thể tìm hiểu qua ba khía cạnh như: nguồn gốc, giáo lý và kế thừa như một sự minh chứng về tính tông truyền của Giáo hội. Điều chắc chắn là Giáo hội được thiết lập bởi chính Đức Giêsu, và thiết lập trên nền tảng là các Tông đồ (Ep 2, 20), cách riêng trên Đá tảng Phêrô (Mt 16, 18 ; Ga 21). Họ là những chứng nhân đích thực của Đức Giêsu Kitô Phục sinh và họ được sai đi để làm chứng về điều đó (Mt 18, 19). Một khía cạnh khác, niềm tin của Hội thánh được chính Thánh Thần trợ giúp, và vì thế, Hội Thánh gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ kho tàng đức tin trọn vẹn và lời giảng dạy lành thánh từ các tông đồ (2Tm 1, 13-14).

Một khía cạnh của tính Tông truyền có thể thấy như:

– Đức Giáo hoàng kế vị Thánh Phêrô là Chủ chăn của toàn thể Hội Thánh. Ngài có quyền thật, đầy đủ, tối cao và rộng khắp.

– Các Đức Giám mục kế vị các Tông đồ, liên kết chặt chẽ với nhau và hiệp nhất với Đức Giáo hoàng làm thành Giám mục đoàn. Giám mục đoàn có quyền đầy đủ và tối cao trên Hội thánh khi hiệp thông với Đức Giáo hoàng.

– Các Giám mục khi thi hành nhiệm vụ coi sóc Hội thánh địa phương với sự cộng tác của Linh mục đoàn.

Tóm lại, Giáo hội duy nhất, Thánh Thiện, Công giáo và Tông truyền là bốn đặc tính căn bản làm thành một Giáo hội phổ quát. Mặc dù trải qua những thời gian khác nhau nhưng những đặc tính này sẽ mãi không mất đi. Những đặc tính này sẽ đan kẽ vào nhau tạo nên một Giáo hội hiệp nhất trên trần gian và là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội.


 
Trở về trang chính sách giáo lý vào đời: Giáo Lý Vào Đời

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment