Chương 10: Những Dấu Chỉ Của Ơn Gọi Tu Hội Đời | CôngGiáo.org
≡ Menu

Chương 10: Những Dấu Chỉ Của Ơn Gọi Tu Hội Đời

Ơn gọi, theo kiểu nói của Thánh Kinh cũng như của Giáo Hội, là một danh từ có nội dung rất phức tạp. Nhiều khi được dùng tương đương với lời Chúa gọi, là một trong những cách Chúa dùng để gọi trực tiếp, như thấy nhiều lần trong Cựu Ước: Abram (Kn 15,1; 22,1); Môisen (Xh 3,4); Giêrêmia (1,11); Amos (7,8; 8,2) v.v… trong Tân ước cũng vậy: Chúa Giêsu gọi nhóm 12 (Mc 3,13); chàng thanh niên có của (Mc 10,21). Chúa cũng gọi gián tiếp, qua trung gian một ai khác: gọi Vua Saolê (Is 10,1) và Đavid (16,12) qua Samuel; gọi Aaron qua Môisen (Xh 28,1) v.v…

Ơn gọi hay lời mời gọi đều giả thiết đã có sự chọn lựa từ phía Thiên Chúa:

“Giavê Thiên Chúa của người đã chọn ngươi làm dân sở hữu của Người giữa hết thảy các dân trên mặt đất” (Đnl 7,6).

“Không phải chúng con đã chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn chúng con trước” (Ga 15,16)

Trong thời gian Giáo Hội, tức thời gian từ lúc Chúa Giêsu về trời cho tới khi Người tái giáng, đôi khi có những cách gọi khác thường, nhưng Chúa thường gọi những kẻ người chọn, một cách gián tiếp, qua nhiều loại trung gian, thông thường ta gọi là các dấu chỉ, nhờ đó ta và những người Phụ trách về ta có thể biết tương đối chắc là ta được Chúa gọi. Dưới đây, ta phân tích một số dấu chỉ chung cho bất cứ đời sống tận hiến nào; rồi nói riêng về một số dấu chỉ ơn gọi Tu hội đời.

I. DẤU CHỈ ƠN GỌI TU TRÌ NÓI CHUNG

Có thể phân ra hai loại dấu chỉ:

a/ dấu chỉ bên trong chính đương sự biết được hoặc những người nào (nhất là vị linh hướng) đương sự tín nhiệm bày tỏ cho; Loại dấu chỉ bên trong do Chúa an bài xếp đặt cách tự nhiên và siêu nhiên.

b/ dấu chỉ bên ngoài ai cũng có thể quan sát thấy…; loại dấu chỉ này, vừa do Chúa, vừa do con người, nhất là sự phê chuẩn chính thức được bộc lộ ra ngoài của các người phụ trách có thẩm quyền và có nghĩa vụ nghiên cứu kỹ lưỡng những dấu chỉ bên trong qua những tác phong bên ngoài (GL cũ, khoản 1357,2).

Cả hai loại dấu chỉ đều quan trọng : dấu chỉ bên trong vừa là hiệu quả vừa là bằng chứng việc Chúa tuyển chọn, vừa là lý do của tiếng Giáo hội gọi thay mặt Chúa, vừa chuẩn bị cho đương sự được gọi chọn hẳn một bậc sống với những hy sinh kèm theo. Ở đây, ta nhấn mạnh hơn những dấu chỉ bên trong, nhờ đó đương sự và vị linh hướng có thể phần nào biết được ơn Chúa gọi sống đời tận hiến. Đương sự sẽ tự đặt ra và trả lời ba câu hỏi sau này:

1/ Có thấy đời tận hiến hấp dẫn không?

Câu hỏi này giả thiết đã biết rõ đời tận hiến là gì (và phần nào cũng đã sống đời tận hiến đó mặc dầu chưa cam kết hay khấn sống như thế). Trong những chương trước đây, đời tận hiến đã được trình bày dưới nhiều khía cạnh đặc biệt nhất là trong tương quan với Chúa Giêsu: theo Chúa Giêsu rất gần và sống như Chúa Giêsu đã sống, để vượt quá mức tối thiểu của bậc trọn lành.

Cuộc sống tận hiến như vậy, có quyến rũ và hấp dẫn thỉnh sinh không? Thỉnh sinh có lấy đó làm thích không ?

Có thích đời sống trinh trong như hoa huệ không?

Có thích đời sống siêu thoát với của cải, chẳng những hướng chúng ta về việc phụng sự Chúa và tha nhân, chẳng những giảm thiểu chúng tới mức xác với những nhu cầu bất khả kháng mà còn tích cực và thực sự khước từ quyền tự do sử dụng, theo Hiến pháp và Nội quy đã đề ra không ?

Có thích sống đời tuân phục như Chúa Giêsu, vui vẻ lồng ý riêng của mình vào trong chính ý của Chúa không ?

Thích như vậy, là một ơn của Chúa rồi: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Ga 6,4).

Đúng vậy, chính Thiên Chúa, chính Chúa Giêsu, là đối tượng đầy hấp dẫn và thỉnh sinh yêu mến các vị đó, dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần. Thích như vậy, là dấu chỉ đầu tiên của ơn gọi thánh hiến. Đó là mầm mống ơn gọi. Sau này khi gặp mưa thuận gió hòa là các loại ơn Chúa, cộng với thiện chí của thỉnh sinh, mầm mống ấy sẽ triển nở và sinh hoa kết quả.

Sự thích thú nói trên có thể được Chúa gieo vào tâm hồn đương sự bằng ba cách:

1/ Có thể phát xuất từ một ơn Chúa soi sáng đột xuất và mạnh đến nỗi khó mà cưỡng lại được. Ta nghĩ ngay tới ơn gọi của Thánh Phaolô trênđường Damas (Cvsđ 9,1-9).

2/ Sự thích thú còn có thể nảy sinh từ một ước vọng tự phát, dần dần biến thành một ý lực (= ý tưởng có sức mạnh) khiến đương sự tự bảo “Tôi thấy đời tận hiến là lối sống của tôi, tôi được dựng nên để sống lối sống ấy, phần tôi, tôi không mảy may hoài nghi, Chúa muốn tôi sống như thế Chúa gọi tôi sống như Người”. Đó là trường hợp của Thánh Phanxicô Đệ Salê. Ngài đã rất nổi tiếng xứ Savoie quê của Ngài, đậu tiến sĩ Đại học Padoue, làm Nghị sĩ đời Vua Charles Emmanuel, được thân phụ đính hôn với một trong các phụ nữ sang trọng nhất. Thế rồi một ngày kia Ngài đã trình bày với Thân phụ là Ngài muốn làm linh mục.

-“Con ơi, ai đã gieo vào trí óc con ý định kỳ cục ấy.Đầu óc con được nặn nên để đội mũ trạng sư mà!”

– “Thưa cha, từ thời niên thiếu, con đã nhận ra rằng con hướng về Giáo Hội, và từ đó, Chúa đã cho con biết ý muốn của Ngài qua nhiều biến cố kỳ lạ”.

3/ Sau hết sự thích thú nói trên có thể đến từ xu thế có suy nghĩ chính chắn, tiếp sau một câu truyện, một bài giảng, một buổi nguyện gẫm, một lần rước lễ, một dịp tĩnh tâm v.v… Chúa thường gây nên sự thích thú trong ta theo cách thứ hai và thứ ba này.

2/ Có khả năng sống đời tận hiến không?

Thích mà thôi chưa đủ. Còn phải có khả năng nữa… khả năng này đa dạng, và cũng được chính Chúa gieo vào tâm hồn ta, gồm những ơn tự nhiên và siêu nhiên, nhờ đó ta có thể hy vọng với nhiều lý do rằng ta hoặc thỉnh sinh đó có thể thoả mãn các đòi hỏi của đời tận hiến. Khối khả năng đa dạng nói trên gồm những yếu tố chính như sau:

a/ Không mắc ngăn trở nào trong số những ngăn trở Giáo Hội hay Hiến pháp đã đặt ra như : về Đức tin, về tuổi, về tự do, về cam kết chỗ khác rồi, về nợ nần không thể trả, về những nghề nghiệp bất khả hợp với đời tận hiến, về tình cảnh tinh thần và vật chất của cha mẹ, về trọng tội nào đó, về khuyết điểm quan trọng nào nơi thể xác v.v…

b/ Đời sống chính trực đã được thử thách đủ qua các tập quán tốt. Gồm các nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến, các nhân đức đối nhân khôn ngoan, công bình, mạnh bạo, tiết độ và những nhân đức bởi chúng mà ra : vâng lời, sạch sẽ, khổ chế, siêu thoát,…

c/ Tính tình tốt: Tính tình là bộ mặt luân lý của một người có được từ những hành vi tự động của họ (= hơn kém thoát khỏi sự tự do) làm cho đương sự có một cái gì độc đáo nơi bản thân, nơi các cuộc giao tiếp, và nơi chính những hành vi.
Tính tình thành hình do những nguyên nhân bên trong như : cơ thể, trí khôn … khuynh hướng và do những nguyên nhân bên ngoài như : gương sáng hay gương xấu, nền giáo dục, môi trường, phải cố trấn áp những thói xấu, và bồi dưỡng những tính tình ngược lại.

1/ Có những tính tình bất xứng : tính tình thấp hèn, ích kỷ, gian xảo, lừa bịp v.v…

2/ Có những tính tình không thể dùng được trong đời tận hiến : – Tính tình hời hợt, nhẹ dạ, không lấy gì làm nghiêm chỉnh; thay đổi.

– Tính tình nhu nhược không làm việc gì lâu dài, không chăm chú, không quyết tâm, bỏ mình, hay hy sinh coi như quá sức mình;

– Tính tình yếu đuối: có dư quyết tâm đấy, nhưng khi gặp khó khăn, gặp phê bình chỉ trích là sợ sệt, không dám làm gì nữa, hoặc không có khả năng chống lại những quyến rũ xấu xa v.v…

– Tính tình lập dị : không làm giống bất cứ ai, thiếu thông cảm khiến việc giao tiếp và những quan hệ rất khó với người khác.

3/ Có những tính tình không ai chịu nổi:

– Tính đa sầu luôn luôn buồn bã, ít nói mơ màng những gì không đâu;

– Tính đa nộ hơi một tí là phản ứng, là lồng lên giận dữ đến nỗi không biết mình nói gì, làm gì;

– Tính mẫn cảm: hơi một tí là rút vào vỏ như con sến, đa nghi nơi mọi người, tưởng là họ luôn gài bẫy mình hay có ác ý với mình, dễ buồn sầu và hờn giỗi vì một lời nói, một cử chỉ, một nụ cười… ;

– Tính cứng đầu cứng cổ coi mình không bao giờ sai lầm, không chấp nhận ai chống đối, không để ai thuyết phục, nghe đấy nhưng lại cứ khăng khăng giữ ý của mình;

– Tính thích đối kháng : đây cũng có thể coi là một tâm bệnh luôn cảm thấy mình cần phải chống đối;

– Tính thích phê bình : con người thất nhân tâm, chỉ thích kiểm duyệt người khác, chỉ biết nhìn cái rác nơi mắt người còn mắt mình có cái xà mà không thấy (Xem Mt 7,4).

d/ Kiến thức: Có hai loại kiến thức : Đạo và Đời. Loại kiến thức thứ hai này ít nhiều tuỳ công tác chuyên môn giữa đời mình phải chu toàn, hoặc tuỳ sức tiếp thu mình có. Loại kiến thức Đạo, đối với các phần tử ứng viên linh mục, dĩ nhiên là rất cần : Họ là Thầy dạy, là quan toà, là thầy thuốc của linh hồn.

Ở phạm vi này, phải áp dụng chương trình học như trong các Chủng viện. Các thành viên không linh mục – nam và nữ – càng có được nhiều kiến thức đạo càng hay. Tuy nhiên, cũng phải có tối thiểu để hổ trợ và bồi dưỡng đời sống thánh hiến của mình. Chúng ta lưu ý tới tinh thần và óc phán đoán rất cần cho mọi người, trong đạo cũng như ngoài đời.

+ Cần phải có tinh thần cởi mở, để xem xét và hiểu biết. Một bộ óc quá hẹp hòi, quá thiển cận, sẽ không làm cho cuộc giao tiếp được dễ dàng.

+ Cần phải biết tập trung tư tưởng về một vấn đề nào phải giải quyết. Một người vô ý tứ, ít suy nghĩ sẽ không làm gì sâu xa được không suy trước nghĩ sau, sẽ không giải quyết ổn thoả nhiều vấn đe cụ thể đặt ra cho người tận hiến, nhất là khi sống giữa dòng đời. Cái gì cũng sẽ hời hợt chẳng đi tới đâu.

+ Cần phải có óc phán đoán đúng: phán đoán làm sao cho đúng với thực tế, nhiều lúc lý tưởng quá không được, tầm thường quá, cũng không nên. Thường thường họ là những người bướng, ngoan cố, ít thấy được khuyết điểm của mình.

+ Giữ tính chuyên cần chăm chỉ. Phải có óc cầu tiến, muốn biết thêm nữa, luôn chịu khó làm việc. Lười biếng, sẽ mang tới nhiều thiệt hại, trong đạo cũng như ngoài đời và nhất định không hợp với một người đã tận hiến đời mình cho Chúa.

4/ Có muốn sống đời tận hiến không?

Đây là câu hỏi cuối cùng : thấy đời tu hấp dẫn; thấy mình có khả năng, nhưng rồi không muốn, thì làm sao có dấu là được Chúa gọi, hay là theo tiếng Chúa gọi?

Muốn là có ý chí và ý thức theo đuổi một mục đích muốn đạt tới; ở đây, có nghĩa là : Khi đã hiểu rõ đời tận hiến với những từ bỏ và hy sinh và giá trị kèm theo, khi đã thấy đó là phương tiện theo Chúa gần hơn, mến Chúa khăng khít hơn, là quyết tâm nhằm tới và quyết tâm dùng những phương tiện xứng hợp và cần thiết. Ý chí hoặc chủ ý cần phải có hai đăc tính căn bản:

a/ Phải muốn thật sự : Nghĩa là, ai muốn mục đích đạt mục đích. Muốn thi đậu, lại không học hành gì cả; muốn đi xa, lại không ra khỏi nhà v.v… Như thế, đâu phải là muốn thật ? Muốn theo Chúa, muốn mến Chúa hơn, lại không muốn chấp nhận những hy sinh mà tình yêu Chúa đòi hỏi: “Không có lòng mến nào lớn hơn thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13) muốn vậy thôi, không phải là muốn thật sự. Muốn rồi để đấy, cũng không phải muốn thật sự.

Muốn thật sự là : muốn rồi, bắt tay vào việc ngay, cương quyết thắng vượt mọi trở ngại, mọi trì trệ, mọi lơ là; phóng thẳng tới đích với một tâm hồn quảng đại, can đảm, Chúa gặp một thiện chí như thế Ngài không thể không ban đủ và hiệu nghiệm để đương sự đạt tới đích.

b/ Phải có ý ngay lành, nghĩa là : phải có những hành động cao thượng thúc đẩy mình sống tận hiến đời tận hiến chỉ phải do một động lực duy nhất là : Bác ái hoàn hảo ; là : Mến Chúa bằng những hy sinh của đời tận hiến và yêu người bằng việc hoạt động tông đồ. Ngoài ra, đều là động lực hoặc xấu, hoặc xa đời tận hiến: đi tu chỉ vì chán đời; vì ở đời không ai nghĩ tới mình v.v… Đều là những động lực không thể chấp nhận được, mặc dầu đôi khi chúng có thể là khởi điểm.

Việc phân biệt đâu là ý ngay lành đâu là không trước hết là do chính thỉnh sinh: tự suy nghĩ, tự kiểm thảo, tự tìm đâu là động lực bá chủ siêu nhiên. Ngoài thỉnh sinh, các người phụ trách các cấp công tác với người ấy sẽ xét đoán qua các hành vi bên ngoài và hằng ngày của thỉnh sinh, xem có thực sự bộc lộ một ý chí ngay lành không. Cả thỉnh sinh lẫn cha linh hướng hoặc các vị phụ trách (hoặc cả những người ngoài), nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, sẽ có thể đi tới một kết luận là: thực sự ta có một lòng ước ao siêu nhiên, thực sự ta có một chủ ý ngay lành biểu lộ thánh ý Thiên Chúa. Như vậy, chủ ý đó là dấu chỉ rằng Ngài gọi ta vào đời tận hiến.

II. DẤU CHỈ ƠN GỌI TU HỘI ĐỜI

Sống thánh hiến giữa đời khác với lối sống tận hiến trong các tu viện. Không có vấn đề hơn kém ở đây, mà chỉ có vấn đề sống tận hiến cách khác nhau mà thôi. Mỗi lối sống có những sở trường sở đoản riêng, có những lợi, bất lợi riêng. Chính vì thế, các dấu chỉ ơn gọi theo hai lối sống cũng khác nhau phần nào. Đây một số dấu chỉ của ơn gọi sống thánh hiến giữa đời:

1/ Xác tín căn bản; lối sống nào cũng đòi mình phải hiến dâng tình yêu đối với Chúa và phải yêu mến Ngài mỗi ngày mỗi hơn:

Không phải mình sợ sống tận hiến cộng đoàn mà mình chọn lựa lối sống tận hiến giữa đời. Nếu như vậy, là dấu mình sợ hy sinh triệt để vì Chúa. Và như thế, đã sợ hy sinh thì lối sống tận hiến nào cũng không hợp với mình. Sống tận hiến luôn đòi triệt để hy sinh để yêu mến Chúa trọn vẹn. Còn lối sống thế này hay thế nọ, chỉ là phương tiện để đạt mục tiêu riêng của lối sống đó, một mục tiêu mà mình muốn đạt được.

-Nếu muốn làm muối cho đất và men trong bột như Chúa bảo, thì lối sống Tu Hội Đời chắc là phương tiện thích hợp hơn, mặc dầu xét theo một khía cạnh khác, gặp những nguy hiểm hơn;

– Nếu muốn nên giống Chúa Giêsu thợ trong xưởng Nazareth, thì lối sống giữa đời giúp ta nên giống Chúa Giêsu thợ nhiều hơn, và bắt chước như vậy, cũng đòi nhiều hy sinh ta phải quảng đại mới chấp nhận được. Tận hiến giữa đời không có nghĩa là hy sinh ít hơn mà chỉ có nghĩa là hy sinh nhiều, nhưng cách khác, nếu sánh với các Dòng tu.

2/ Muốn sống ẩn dật âm thầm:

Đời sống tận hiến trong Cộng Đoàn là Lời chứng công khai, có thể được coi như thành trì xây trên núi, ai cũng có thể thấy. Qua bộ tu phục để được người ta nhận ra là mình thuộc bậc trọn lành, được kính nể hơn, mặc dầu đương sự không tìm kiếm những vinh dự đó.

Sống thánh hiến giữa đời là Lời chứng thầm lặng, không được như thế : không công đoàn, không tu phục, sống bề ngoài hệt như trăm ngàn người khác, không ai để ý tới mình, không ai đặc biệt kính nể mình, không ai chào hỏi mình là “Dì”, là “Sơ”, là “Thầy”… Sống vùi mình trong đám đông, như vô tích sự trước mặt cộng đoàn tín hữu quá quen với não trạng cổ truyền (=tu là phải xuất thế, phải có áo dòng). Muốn lối sống như trên mới là thành viên của Tu Hội Thừa sai Chúa Giêsu tôi tớ được.

3/ Phải cảm thấy mình muốn dấn thân phục vụ:

Chính vì việc tông đồ mà mình lăn xả vào đời; được tự do tiếp xúc với mọi người, mình phải coi việc tông đồ như là một nhu cầu sống, như thánh Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Cor 9,16). Dĩ nhiên phải hoạt động tông đồ với phương cách hợp với người tận hiến giữa đời. Phải biết khắc khoải về số phận đời đời của các anh chị em mình tiếp xúc hằng ngày, phải biết “khát” các linh hồn, như Đức Giáo Hoàng đã nói trong Tự Sắc Primo feliciter (số 2). Phải ý thức sâu xa rằng Chúa đã trao mình cho anh chị em đồng loại, và trao anh chị em đồng loại cho mình, và như vậy “đối với mình, rời bỏ thế gian chẳng khác nào đào ngũ”. Say mê việc tông đồ nhưng với cách làm phù hợp với tinh thần của Tu Hội đời.

4/ Có khả năng phán đoán và quyết định đặc biệt hơn:

Tận hiến trong Tu Viện được nhiều sự nâng đỡ thiết thực hơn. Có Bề trên sẵn đấy, mình đỡ phải quyết định; Tu viện có thể đón nhận và thánh hóa các tâm hồn có ít (Ít, chứ không phải là không có) khả năng nhận lãnh trách nhiệm khi sống lẻ loi một mình. Nhưng sống tận hiến giữa đời, các thành viên phải là người trưởng thành, hoàn toàn có thể làm bề trên cho chính mình, để tự mình quyết định lấy nhiêu công việc, nhất là những công việc trần thế mình đã lựa chọn.

5/ Phải có một hoạt động trần thế và thích hoạt động đó:

Phải có một nghề nghiệp ổn định đời sống trong các môi trường giáo dục, y tế, xã hội, từ thiện, sản xuất, nghiên cứu khoa học; trong các xí nghiệp các hợp tác xã v.v… Không có nghề nghiệp hay chưa có, thì chưa vội sống tận hiến giữa đời; cũng như không có một khả năng trần thế nào đó thì được coi như không có ơn gọi tận hiến giữa đời để thánh hóa việc trần thế, để thánh hoá thế gian cho Chúa, vì đó là mục đích chủ yếu của các Tu Hội Đời.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Có mấy loại dấu chỉ ơn gọi tu trì?
2. Căn cứ vào đâu mà biết mình hay ai đó có thể tu được?
3. Sống đời thánh hiến tu trì có đòi phải có kiến thức không?
4. Muốn đi tu phải có những điều kiện nào?
5. Có những dấu chỉ nào cho biết một người có ơn gọi tu đời?


 
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.

{ 1 comment… add one }
  • Nga T Tram August 21, 2019, 5:54 pm

    Nga Tram tha thiet duoc song tan thien trong tu vien , xin Chua chuc phuc cho con duoc duoc nang do den nhieu su gap go va duoc gioi thieu den cac dong tu theo su chuc phuc
    Xin Chua ban cho va thanh thiet chuc, cau xin Chua Ba Ngoi va Me Maria do day cho con mai mai muon doi

Leave a Comment