Con Người Sa Ngã Và Lòng Chúa Xót Thương | CôngGiáo.org
≡ Menu

Con Người Sa Ngã Và Lòng Chúa Xót Thương

Thiên Chúa tạo dựng con người và ban cho con người quyền làm chủ trong mọi loài Chúa dựng nên. Tự do là điều cao quý nhất mà Thiên Chúa ban cho con người, để con người dùng chính tự do ấy để hoạch định chính ơn sủng sống đẹp lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, một nghịch lý đã xảy ra, con người đã dùng chính tự do Thiên Chúa ban mà làm hại vào cuộc sống của chính mình, là đánh mất ân sủng ban đầu và bị trừng phạt vì điều họ lỗi phạm.

I. Con người sa ngã và hình phạt

1. Con rắn, thế lực sự dữ

Trong những loài Chúa dựng nên, rắn được coi là loài tinh ranh và đầy mưu kế. Trong Kinh thánh, rắn tượng trưng cho sự dữ và và quyền lực sự dữ. Và con rắn đã trở nên kẻ phá vỡ trật tự trong mối tương quan con người với con người và với Thiên Chúa. Bằng những lời khôn khéo và gây hoang mang con rắn đã cám dỗ con người để con người phạm tội, nghi ngờ lòng tốt của Thiên Chúa và bất tuân mệnh lệnh của Người. Và như thế, sự nghi ngờ bắt đầu là đầu mối để con người bất tuân và phạm tội.

2. Hậu quả của sự sa ngã

Con người đã sa ngã và phạm tội. Tội bắt đầu thâm nhập thế gian. Nó phá vỡ các mối tương quan. Khởi đầu là mối tương quan với chính họ. Quả vậy, hai ông bà đã đổ lỗi cho nhau và trốn tránh trách nhiệm. Họ phải mang nặng đẻ đau và bị thống trị bởi nhau. Họ không còn làm chủ được chính mình nữa. Và những mối bất hoà cứ mãi xảy ra. Kế đến, con người phá vỡ mối quan hệ với Thiên Chúa. Con người xấu hổ vì đã bất tuân Lời Thiên Chúa. Họ đã chạy trốn Thiên Chúa. Họ tự tách mình ra khỏi những ân sủng mà lẽ tự nhiên họ được thưởng và ban cho, bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Mối đổ vỡ thứ ba đó là, mất sự hoà hợp với thiên nhiên. Hậu quả của đổ vỡ này là con người phải lao công hằng ngày để có cái sinh sống. Sự sống còn của con người đòi hỏi họ phải lao động vất vả, để có cái ăn, cái mặc. Trong xã hội ngày nay, con người sống phải đương đầu với nhiều những cám dỗ dẫn đến phạm tội. Các mối liên hệ tương quan bị đổ vỡ một cách nghiêm trọng, và vì thế gây nên những mối hận thù, chia rẽ và chết chóc.

II. Thiên Chúa vẫn một lòng xót thương con người

Do sự bất tuân của một người mà tội lỗi đã lan tràn khắp nơi. Mối bất hoà xuất phát từ chính trong gia đình của những con người đầu tiên. Người ta khước từ nhau và sẵn sàng sát hại lẫn nhau chỉ vì không chấp nhận nhau. Cain đã giết em mình là Abel. Và kể từ giờ lúc ấy, tội lỗi càng lúc càng lan tràn mặt đất. Nhưng dù con người đã khước từ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn yêu thương và hứa ban Đấng Cứu Thế (St St 3, 15 ; 6, 13-9,1). Thiên Chúa đã bắt đầu bằng một cuộc thanh luyện. Ngài không muốn tiêu diệt hết những con người mà Ngài đã dựng nên. Ngài yêu thương họ và muốn quy tụ họ thành một dân tinh tuyền và biết thực thi ý Ngài. Ngài đã chọn gia đình Noe. Ngài muốn khởi từ gia đình hiền hậu này để làm nên một nhân loại mới, và đây có thể được coi là một cuộc tái tạo mới.

Cuộc tái tạo mới này sẽ đi tiếp theo là những cuộc tái tạo khác. Cho đến thời của Đấng Cứu Thế được sinh ra và trở nên trung gian cứu độ của con người. Vị Trung gian này sẽ là một người thực thi sứ mệnh, quy tụ muôn người về cùng một mối và dẫn họ vào hưởng ân sủng đã được thông ban và dành sẵn cho họ từ muôn thuở. Đấng Cứu Thế chính là vị hoà giải giữa Thiên Chúa và con người. Hoà giải trong các mối tương quan của con người với nhau. Sứ mạng của Đấng Cứu Thế nói lên điều đó.

Tóm lại. sự bất tuân của con người đã khiên cho các mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa, với chính họ và với vạn vật bị phá vỡ. Cái mất lớn nhất đó là đánh mất ân sủng Thiên Chúa ban cho con người. Họ đã khước từ chính họ và điều họ được đón nhận cách nhưng không. Song, cho dù con người đã phạm tội, đã khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương và hứa ban Đấng Cứu Độ để cứu chuộc họ thoát khỏi tội đầy và sự chết. Đấng Cứu Thế là Vị Trung Gian hoà giải giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người và vạn vật ; giữa con người với con người.


 
Trở về trang chính sách giáo lý vào đời: Giáo Lý Vào Đời

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment