Con Người | CôngGiáo.org
≡ Menu

Con Người

1. Phẩm giá con người

Con người mang nơi mình hình ảnh của Thiên Chúa vì họ đã được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Người. Đây chính là bản chất tốt đẹp và giá trị cao quý rất riêng của con người, mà người ta gọi là phẩm giá con người.

Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người được thể hiện nơi lý trí và ý chí của con người. Nhờ lý trí, con người nhận biết điều gì là chân thật và tốt đẹp. Nhờ ý chí, con người có khả năng hướng chiều về những gì là thiện hảo đích thực.

Con người đạt tới sự hoàn thiện bản thân mình bằng cách tìm kiếm và yêu mến những gì là chân thật và tốt đẹp.

2. Lương tâm

Con người khám phá tận đáy lòng mình tiếng nói của một lề luật “nên làm điều tốt lành, xa tránh điều gian ác”, mà chính con người không tự đặt ra cho mình. Tiếng nói ấy được gọi là lương tâm.

Lương tâm can thiệp vào các quyết định của chúng ta, khuyến khích chúng ta chọn lựa và thực hiện những điều tốt lành cũng như xa tránh những điều xấu.

Lương tâm xét xử những công việc ta làm, cho ta sự bình an và vui tươi khi làm điều tốt, cũng như sự bứt rứt và hối hận khôn nguôi khi làm những điều sai trái.

Phẩm giá con người đòi ta phải có một lương tâm ngay thẳng và nhạy bén để ứng xử cho xứng hợp với tư cách là một con người.

Đối với người Kitô hữu, lương tâm là tiếng Chúa nói trong tâm hồn ta. Qua tiếng nói của lương tâm, Thiên Chúa hướng dẫn và xét xử cuộc sống của chúng ta.

Tiếng nói của lương tâm có thể bị sai lạc hoặc suy yếu vì tội lỗi, bởi tập quán xấu, bởi cách giáo dục, khiến chúng ta có khuynh hướng lựa chọn lối sống theo ý riêng và khước từ những chỉ dẫn của Thiên Chúa.

Vì thế, việc giáo dục lương tâm ngay chính là nhiệm vụ chúng ta phải trau dồi suốt cả đời. Giáo dục lương tâm làm phát triển tự do con người và xây dựng một đời sống an bình nội tâm.

Lời Chúa là cơ sở cho việc huấn luyện lương tâm, là kim chỉ nam hướng dẫn cách hành xử và chọn lựa lối sống của người Kitô hữu.

Sau đây là một vài quy tắc thực hành:

– Không bao giờ làm điều xấu để đạt một kết quả tốt.

– “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì anh em hãy làm cho người ta trước”(Mt 7,12)

– Đức ái đòi ta phải tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. “Tốt nhất, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã”. (Rm 14,13)

Mỗi người cần phải năng quay về với nội tâm, suy nghĩ, kiểm điểm để có thể nghe được tiếng nói lương tâm và tuân theo mệnh lệnh khẩn thiết ấy.

3. Hành vi của con người

Vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên hành vi của họ phải hướng về những điều tốt lành và chân thật.

Một hành vi mang tính giá trị đạo đức của con người thì được gọi là hành vi nhân linh.

Để một hành vi của ai đó được gọi là hành vi nhân linh, thì phải hội đủ hai điều kiện:

– Có ý thức: biết mình đang làm cái gì (ý thức về nội dung, đối tượng của hành vi); biết mình đang làm cách nào (dùng phương tiện, phương pháp nào để đạt kết quả) ; biết mình có thể làm hay từ chối.

– Có tự do: tự do là khả năng hành động (làm hay không làm) và lựa chọn (điều này hay điều khác). Tự do gắn liền với lý trí và ý chí. Vì vậy, con người thực hiện những hành vi theo ý mình và tự định đoạt lấy cuộc sống của mình. Càng làm điều thiện, con người càng trở nên tự do. Khi làm điều gian ác, con người trở thành “nô lệ của tội”.

Giá trị của một hành vi nhân linh tuỳ thuộc vào:

– Đối tượng được lựa chọn là điều tốt hay xấu

– Mục đích hay ý hướng. Cần nhớ: ý hướng không thể biện minh cho phương tiện. Ý hướng tốt không thể làm cho một hành động xấu trở nên tốt được. Ví dụ: không thể cướp của người giàu để cho người nghèo. Ý hướng xấu thì làm cho mọi việc nên xấu. Ví dụ: làm việc đạo đức để lừa đảo.

– Hoàn cảnh: tự thân, hoàn cảnh không thể thay đổi bản chất tốt hay xấu của một hành vi. Hoàn cảnh được xem xét để làm giảm bớt hay gia tăng tính nghiêm trọng của hành vi hay trách nhiệm của người làm hành vi đó.

Để nhận định và phê phán một hành vi nhân linh, ta phải xem xét tổng thể cả ba yếu tố trên.


 
Trở về trang chính sách giáo lý vào đời: Giáo Lý Vào Đời

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment