Nền Quân Chủ Israel | CôngGiáo.org
≡ Menu

Nền Quân Chủ Israel

Như đã nói chế độ quân chủ, một cách nào đó đã hình thành dưới thời các thủ lãnh như: Gêđêon (Tl 8, 23. 30 ; 9, 1-7) hoặc với cuộc tạo lập của Abimêlek.

1. Lời thỉnh nguyện có một người lãnh đạo

Điều hiển nhiên đã xảy đến khi vào cuối thời các thủ lãnh, Israel thấy cần phải có thống nhất về mặt chính trị mới đương đầu nổi với ngoại bang, lúc này đang muốn đè bẹp dân Israel như: quân Philitinh … Vì thế, họ xin Samuel, vị thủ lãnh cuối cùng, lập cho họ một “vua” để cai trị họ. Lời đề nghị của họ sẽ không được chấp nhận, vì như thế, họ sẽ phản bội lại lời thề chỉ có một mình Thiên Chúa là Chúa và là Vua của họ mà thôi. Samuel đã nghĩ đến chuyện đó và dường như ông không muốn một tý nào đối với lời đề nghị của dân. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã chấp nhận lời của dân và truyền cho Samuel xức dầu cho Saolô, tấn phong ông này làm vua Israel, bắt đầu khai mở một nền quân chủ và kéo dài 450 cho đến khi dân bị đem đi lưu đày tại Babilon.

2. Sự phát triển của nền quân chủ Israel

Saolô được xức dầu và trở thành vị vua đầu tiên của Israel. Tuy nhiên, một điều chắc chắn để hiểu rằng, đối với Israel, vương quan sẽ chỉ thực sự chính đáng khi nó lệ thuộc vào ý Chúa tỏ bày qua các ngôn sứ. Vị vua đầu tiên cuối cùng đã bị thất sủng và để củng cố lại nền quân chủ cho vững vàng, Thiên Chúa lại cho xuất hiện một vua khác để lãnh đạo dân, đó là Đavít, tôi trung của Thiên Chúa (1Sm 16, 6-12 ; 17, 43-46). Đavít được kể là một trung những khuôn mặt sáng chói nhất trong Cựu ước. Dưới thời cai trị của ông, vương quốc Israel được thực sự thống nhất và dân cư sống trong sự an bình. Ông trở thành một nhân vật có ảnh hưởng rộng lớn trong lịch sử Israel nói chung. Vương quyền của ông bao trùm cả các khu vực lân bang vốn là chư hầu của người Philitinh và các thị trấn vùng Canaan chưa khắc phục, đặc biệt trong những đồng bằng và khu vực phía bắc bên Galile. Cuối cùng, nhiều lân bang đã bị ông chinh phục và tôn ông chính là vua của họ.

Điều khiến cho Đavít đẹp lòng Thiên Chúa hơn vị tiền nhiệm đó là ông một mực tín nhiệm và tuân phục ý Thiên Chúa dù khi thành công hay thất bại. Ông là người “vừa lòng Giavê”. Ông luôn khiêm nhường và biết nhận ra những yếu đuối, tội lỗi của mình và cầu xin Thiên Chúa thương xót. Ông đã thiết lập Giêrusalem nên thủ đô chính trị và tôn giáo.

Kế ngôi của Đavít là Salomon (1V 3, 5-13), người tôi tớ được Thiên Chúa đoái nhìn. Lịch sử kể về Salomon không phải là người thực hiện chức năng đánh đông dẹp tây, mở mang bờ cõi cho bằng, ông đã lãnh đạo đất nước trong an bình và phát triển thịnh vượng. Salomon được coi là người cực kỳ khôn ngoan. Kinh thánh kể chuyện ông đã xin Thiên Chúa cho ông sự khôn ngoan để lãnh đạo đất nước. Và vì điều này mà Thiên Chúa đã ban cho ông cả những điều ông không xin: sống lâu, sự giàu sang, phú quý và danh thơm, tiếng tốt…

3. Sự thành công của Israel phụ thuộc vào sự trung tín với Thiên Chúa

Một điều hiển nhiên cho thấy là: sự thành công của các vị vua trong Israel phải lệ thuộc vào chính sự trung tín của họ đối với Thiên Chúa. Chúng ta đã thấy một tiến trình xảy ra trong thời Thủ lãnh. Một khi dân bội phản lời hứa với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ khiến cho dân nên đau khổ bằng cách bị ngoại bang đe doạ và xâm chiếm đất nước ; nhưng một khi dân thống hối và cầu xin Thiên Chúa cứu giúp thì Ngài lại cho xuất hiện một vị lãnh đạo để giải phóng dân. Cũng vậy, trong thời quân chủ của Israel, hình ảnh một Saolo về cuối đời đã không vâng lệnh Thiên Chúa; một Đavít đã phạm tội sát nhân và ngoại tình ; một Salomon phạm tội thờ thần ngoại … và các người kế vị kế tiếp … Chính tình trạng bội phản của họ với Thiên Chúa mà vương quyền của họ đã không còn được vững vàng và họ bị những thế lực khác lấn chiếm và thống trị.

Nhưng buổi đầu, Saolo, Đavít, Salomon được rạng rỡ vì họ còn trung tín giữ giao ước với Thiên Chúa, nhưng càng về sau, họ càng chểnh mảng và tỏ ra coi thường Thánh ý Thiên Chúa thể hiện qua các ngôn sứ. Và vì thế, họ bị thất sủng và vương quốc của họ cũng bị rơi vào những ngoại bang.


 
Trở về trang chính sách giáo lý vào đời: Giáo Lý Vào Đời

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment