Phụng Vụ | CôngGiáo.org
≡ Menu

Phụng Vụ

1. Định nghĩa phụng vụ là gì?

Theo công đồng vaticanô II, thì phụng vụ là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hoá con người được thực hiện nhờ những dấu chỉ khả giác1 và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ.

2. Ý nghĩa của phụng vụ

– Phụng vụ luôn thể hiện ý nghĩa cộng đoàn, được biểu lộ trong tâm tình bên trong và các hành vi bên ngoài, để tônthờ Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hoá con người.

– Phụng vụ là phương tiện để các tín hữu tiếp xúc với Thiên Chúa và nuôi dưỡng đời sống kitô hữu, đời sống mới trong Đức Kitô.

– Nhờ phụng vụ, Hội thánh diễn tả và biểu lộ cho người khác những mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Hội thánh. Như thế, Hội thánh đã trở nên dấu chỉ để quy tụ các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi thành một Dân duy nhất.

– Chúa Kitô chính là tác giả của phụng vụ khi Người thiết lập và cử hành hiến tế thập giá phát sinh ơn cứu độ.

– Phụng vụ là tột đỉnh2 quy hướng mọi hoạt động của Hội thánh, là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực3 của Hội thánh và nguồn mạch ban ơn thánh vào tâm hồn tín hữu.

3. Chu kỳ năm phụng vụ

Ngoài các Chúa nhật, ngày trong tuần, các lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ được mừng kính trong một ngày, thì năm phụng vụ còn được tổ chức theo từng chu kỳ hay từng mủa phụng vụ. Các mùa phụng vụ được sắp xếp như sau:

a. Tam Nhật Vượt Qua

– Tam nhật Vượt Qua được tính từ thánh lễ tiệc ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh đến hết Chúa nhật Phụng sinh. Đây là đột đỉnh của năm phụng vụ.

– Ý nghĩa của Tam nhật Vượt Qua : Giáo hội tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô.
– Trọng tâm của Tam nhật Vượt Qua là Đêm canh thức Vượt qua, Đêm này gọi là “Mẹ của mọi lễ canh thức”.

b. Mùa Phục Sinh

– Mùa Phục sinh gồm năm mươi ngày, bắt đầu từ Chúa nhật Phục sinh và kết thúc vào lễ Hiện Xuống.

– Tám ngày đầu tuần của Mùa Phục sinh gọi là tuần Bát Nhật, long trọng cử hành như các lễ trọng kính Chúa.

– Ý nghĩa của Mùa Phục sinh là việc cử hành trong niềm hân hoan như một ngày lễ duy nhất, vì vậy các Chúa nhật trong mùa Phục sinh không còn được gọi là Chúa nhật sau Phục sinh như trước nữa, mà được thay bằng tên gọi Chúa Nhật Phục Sinh với số thứ tự từ 1 đến 7.

c. Mùa Chay

+ Mục đích của Mùa chay là thời gian để người tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng biến cố Vượt Qua.

– Đối với những người dự tòng, thì đây là thời kỳ để họ chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Khai tâm Kitô giáo vào chính đêm lễ Phục sinh.

– Đối với những người kitô hữu khác4, thì đây là thời gian hoán cải và sám hối, thanh luyện và củng cố đức tin để chuẩn bị tham dự Lễ Vượt Qua.

+ Thời gian của Mùa chay: khoảng 40 ngày. Đây là thời gian để người tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón nhận biến cố Vượt Qua, cách ý nghĩa nhất. Ngoài ra, con số 40 còn liên hệ với các biến cố:

– 40 năm dân Do Thái đi trong hoang địa tiến về miền đất hứa.

– 40 ngày ông Môsê ở núi Sinai diện kiến Đức Chúa.

– 40 ngày vua Đa-Vít phải đối đầu với Gô-li-át.

– 40 ngày Ê-li-a đã trải qua để đến Hô-rét.


– 40 ngày Ngôn sứ Gio-na rao giảng kêu gọi dân Ni-ni-vê…. hãy sám hối.

d. Mùa Giáng Sinh

Mùa Giáng Sinh bắt đầu từ kinh chiều I lễ Gíang Sinh đến hết lễ Chúa Hiển Linh hoặc Chúa nhật sau ngày 6 tháng giêng.

Trong truyền thống phụng vụ, sau lễ Phục Sinh Giáo hội không cử hành mầu nhiệm nào khác ngoài mầu nhiệm Nhập Thể và việc tỏ mình của Con Thiên Chúa, từ Bêlem đến sông Giođan.

Lễ Giáng Sinh cũng có tuần Bát nhật như lễ Phục Sinh, nhưng không được mừng kính với cùng mức độ như tuần bát nhật Phục Sinh, vì:

+ Mỗi ngày trong tuần Bát nhật Phục Sinh được mừng như lễ trọng.

+ Mỗi ngày trong tuần Bát nhật Giáng Sinh không đồng đều, tức là có ngày thì cử hành lễ trọng, ngày thì cử hành lễ kính, ngày thì cử hành như lễ thường.5

e. Mùa Vọng

Mùa vọng bắt đầu từ kinh chiều I của Cháu nhật I Mùa vọng và kết thúc trước kinh chiều I lễ Giáng Sinh.

Mùa vọng diễn tả hai đặc điểm khác nhau và được chia thành hai giai đoạn để diễn tả đặc tính như:

+ Giai đoạn thứ nhất : từ đầu Mùa vọng đến hết ngày 16 tháng 12. Đây là thời gian chuẩn bị để người tín hữu hướng lòng đến ngày Chúa Kitô sẽ trở lại lần thứ hai6 trong vinh quang.7

+ Giai đoạn thư` hai : từ ngày 17 tháng 12 kéo dài trong một tuần lễ. Đây là thời gian để người kitô hữu chuẩn bị trực tiếp mừng Đại lễ Giáng Sinh, để kính nhớ việc Con Thiên Chúa đã đến trần gian lần thứ nhất, tại Bêlem.

f. Mùa thường niên

* Mùa thường niên chia thành hai phần:

+ Phần I là những tuần lễ nằm trong khoảng thời gian tư lễ Chúa Hiển Linh đến đầu mùa chay8.

+ Phần II là những tuần lễ, sau lễ Hiện Xuống đến đầu mùa vọng.

Ý nghĩa Mùa thường niên:

+ Là một tổng thể duy nhất, vì Giáo hội không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn bộ, tức là cho ta thấy Đức Kitô đang sống, hiện diện và hoạt động nơi Giáo hội, bằng việc Người dạy dỗ, thánh hoá, nuôi dưỡng, ở và đến trong thới gian cánh chung.

+ Là thời gian Giáo hội mời gọi con người đi trên con đường mà chính Đức Kitô đã vạch ra, để đem ơn cứu độ.

Để sống mùa thường niên, mọi người được kêu mời:

+ Khiêm tốn lắng ghe Lời Chúa, nhiệt thành tìm kiếm và nỗ lực tham dự vào đời sống Thiên Chúa, vì chỉ Thiên Chúa mới có thể soi sáng và thánh hoá cuộc sống – hoạt động của chúng ta.

+ Chỉ có Đức Kitô mới giúp con người đi sâu vào các mầu nhiệm thần linh Thiên Chúa.

+ Yêu thương anh em đồng loại thắm thiết, mạnh dạm dấn thân để cùng chung sức xây dựng Nước Trời.

4. Ý nghĩa năm phụng vụ

* Năm phụng vụ diễn tả lịch sử cứu độ:

Khi đào sâu vào lịch sử cứu độ, con người khám khá ra sự can thiệp của Thiên Chúa trong công trình cứu độ.

Lịch sử cứu độ và lịch sử con người lồng vào nhau, đến nỗi người ta có thể khám phá dấu vết sự can thiệp của Thiên Chúa trong các biến cố nhân loại để cứu chuộc con người khỏi ách tộu lỗi.
Năm phụng vụ chính là chu kỳ thời gian trong một năm, nhằm tái khám phá sự can thiệp Thiên Chúa trong lịch sử con người, nơi quá khứ cũng như hiện tại. Vì vậy, lịch sử cứu độ không chỉ là kỷ niệm những biến cố cuả quá khứ, nhưng là kéo mãi trong hiện tại hành vi cứu độ của Thiên Chúa, dựa trên nền tảng là Giao Ước. Đây là tâm điểm của năm phụng vụ.

* Mầu nhiệm Đức Kitô, trung tâm của năm phụng vụ:

Toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa được quy tụ nơi Đức Kitô, Ngài là nguyên thuỷ và cứu cánh của vạn vật, nhờ Ngài mà muôn loài muôn vật được tạo thành và được cứu chuộc.

Giáo hội nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa các biến cố cứu độ trong lịch sử với Đức Giêsu.
Mầu nhiệm Đức Kitô được thể hiện cách tiệm tiến trong thời gian theo một chương trình duy nhất của Thiên Chúa: từ sáng tạo, sa ngã đến các lời hứa và giao ước đều loan báo ơn cứu độ9 được thực hiện nơi Đức Kitô.

Trong lịch sử cứu độ, từng biến cố đều có liên quan với mầu nhiệm Đức Kitô theo hai nghĩa: chúng vừa thực hiện từng bước lời hứa cứu độ, vừa loan báo thực tại cánh chung sẽ hoàn tất.10

* Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô:

Biến cố Vượt Qua là trung tâm và là đỉnh cao của năm phụng vụ, tức là giúp chúng ta khám phá ra ý định cứu độ của Thiên Chúa.

Năm phụng vụ không mô tả cuộc đời Đức Giêsu theo từng biến cố với dáng vẻ ký ức hoài niệm, nhưng đặt các biến cố nối kết với mầu nhiệm Vượt Qua11.

Thật vậy, khi cử hành Mầu nhiệm về Đức Kitô, thì mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành đầu tiên, rồi các mầu nhiệm khác được cử hành từng bước và theo sau.

* Năm phụng vụ tưởng niệm các biến cố cứu độ:

Giáo hội muốn làm sống lại các biến cố trong các nghi thức phụng vụ12. Nghi thức phụng vụ làm hiện tái hoá sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, chúng còn đem lại hiệu quả đích thực cho con người trong mọi thời và mọi nơi.

Giáo hội cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo qua các nghi thức, không phải là để lập lại các biến cố quá khứ như một kỷ niệm, nhưng là nhờ nghi thức ấy, người tín hữu sống mầu nhiệm Kitô giáo trong hiện tại và làm tăng trưởng đời sống đức tin cho tới ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang.

Câu hỏi gợi ý

1/ Mục đích của phụng vụ là gì?
2/ Phụng vụ khác với những việc đạo đức như thế nào?
3/ Năm phụng vụ bắt đầu từ biến cố nào?
4/ Mùa vọng và Mùa chay có mục đích gì?
5/ Mùa thường niên cử hành mầu nhiệm nào?

Chú Thích:

1 Dấu chỉ khả giác là những gì mà khả năng của con người có thể nhìn thấy, nhận ra trong cuộc sống.

2 Nghĩa là mọi nghi lễ phụng vụ của Giáo hội đều quy về Đức Giêsu là Đầu Hội thánh.

3 Bí tích là của Đức Giêsu thiết lập, nhưng qua Hội thánh thì năng lực này được ban cho những kẻ tin. Do vậy, từ nơi Giáo hội phát sinh những nguồn mạch, qua việc người tín hữu quy tụ để cử hành phụng vụ.

4 Kitô hữu khác, tức là những người đã lãnh nhận Bí tích Khai Tâm.

5 Ví dụ : Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1) là lễ trọng; lễ thánh Gioan tông đồ (27/12) là lễ kính; còn lại từ ngày 29 – 31 tháng 12 là lễ thường.

6 Câu hỏi đặt ra là tại sao mừng ngày Chúa đến lần thứ nhất mà lại hướng đến ngày Chúa trở lại … đó là niềm tin và hy vọng mà người tín hữu phải sống.

7 Trở lại lần thứ hai nghĩa là ngày cánh chung, ngày quang lân của Thiên Chúa.

8 Đầu mùa chay bắt đầu từ thư Tư Lễ Tro,…

9 Các biến cố cứu độ được gắn kết với nhau cách chặt chẽ : biến cố đi trước dọn đường cho biến cố đi sau, vừa là khởi điểm cho một tiến trìnhmới nơi biến cố sắp xảy đến.

10 Ví dụ : Cuộc Vượt Qua của dân Do Thái ra khỏi Ai cập vừa là việc thực hiện lời hứa giải thoát của Thiên Chúa, vừa loan báo cuộc Vượt Qua sẽ được thực hêịn nơi Đức Kitô.

11 Vì Mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành một lần duy nhất, nhưng nó có giá trị vĩnh viễn nên khi cử hành cách long trọng Mầu nhiệm này, là chúng đang thực tại hoá cuộc đời mình trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.

12 Vẫn cần có sự liên hệ chặt chẽ giữa nghi thức và nội dung phụng vụ, nó không thể tách rời nhau hoặc chỉ có nghi thức mà không nhằm chuyển tải nội dung và ngược lại.


 
Trở về trang chính sách giáo lý vào đời: Giáo Lý Vào Đời

{ 2 comments… add one }
  • Van Huynh March 11, 2022, 9:02 pm

    Cam on qui vi
    Xin Chuc qui vi luon tran day on Chua va luon binh an.

  • Nguyen jang July 29, 2013, 9:32 pm

    Xin cho biết chủ đề của các tháng phụng vụ thí dụ tháng 5 là tháng mân côi

Cancel reply

Leave a Comment

Next post:

Previous post: